“Thói coi thường phụ nữ đã ăn vào máu của nhiều đàn ông Việt”

“Đến thời nay mà vẫn có nhiều người chấp nhận câu ‘làm hoa người người ta hái, làm gái cho người ta trêu'”, tiến sĩ Hoàng Ánh bày tỏ.

“Thói coi thường phụ nữ đã ăn vào máu của nhiều đàn ông Việt” - 0

Việc một nhà báo miệt thị tân hoa hậu Hoàn vũ mới đây khiến dư luận bức xúc, nhưng thực tế, nhiều người Việt vẫn vô tình bao dung trước những tình huống phụ nữ bị ra làm trò trêu trọc, châm biếm diễn ra xung quanh”, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội cho biết.

Bài chia sẻ cá nhân của bà về tình trạng này đang thu hút sự chú ý.

Từng học tại Pháp và đi nhiều nước trên thế giới, bà Ánh cho biết, mặc dù ở một số nơi còn rơi rớt lại chút tư tưởng kỳ thị phụ nữ nhưng bà chưa thấy ở nơi đâu có nhiều đàn ông gia trưởng và hạ thấp vai trò người phụ nữ như tại Việt Nam.

“Tôi từng đến một gia đình Pháp mà vợ là trưởng đại diện một dự án lớn, còn chồng ở nhà chăm 3 con (con nhỏ nhất 2 tuổi). Người chồng trước đó đi làm nhưng khi vợ nhận được công việc tốt thì anh sẵn sàng ở nhà.

Tất cả mọi người xung quanh đều thấy đó là việc bình thường, bởi người ta sẽ cân nhắc việc gì có lợi hơn cho gia đình chứ không căn cứ vào giới nào thì nên đi làm hay ở nhà. Ở nước mình những việc như thế quá hiếm”, bà Ánh nói.

Dưới đây là bài viết của bà:

Từ nhỏ tôi được bố mẹ giáo dục trong tinh thần bình đẳng nam – nữ nên chưa bao giờ cảm thấy thua kém chỉ vì mình là phụ nữ.

Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu có trí nhớ, tôi luôn phải nghe những câu nói kiểu:

Con gái thì phải thế này, thế kia mới lấy được chồng” nhưng tôi cũng không để ý lắm vì lúc ấy chuyện lấy chồng cũng xa lạ như lên cung trăng vậy.

Lần đầu tiên tôi bắt đầu nhận thức được sự bất công với phụ nữ là khi vào cấp 3, đi ở nội trú thấy mọi người xì xào khen chị này xinh, nhưng chị kia đẹp hơn vì “thắt đáy lưng ong”.

Tôi hỏi “thắt đáy lưng ong” hơn gì vì tôi thích tính chị kia hơn, thì được giải thích rằng người con gái như vậy mới là nhất vì “Những người thắt đáy lưng ong – Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con”.

Lúc đấy nghe xong tôi rất mặc cảm vì mình không đạt tiêu chuẩn nhưng trong lòng cũng nổi lên sự thắc mắc thế những người không “thắt đáy lưng ong” thì sao?

Chả lẽ chỉ vì đặc điểm hình thể trời sinh mà họ bị coi là “kém giá trị” hơn người khác, bất chấp tính cách, tình cảm hay trí tuệ của họ? Như vậy thì công bằng ở đâu?

“Thói coi thường phụ nữ đã ăn vào máu của nhiều đàn ông Việt” - 1

Phó giáo sư Hoàng Ánh bức xúc trước thực trạng phụ nữ vẫn hay bị coi thường trong xã hội Việt. Ảnh: NVCC.

Thời gian học ở nước ngoài càng củng cố cho tôi niềm tin vào giá trị của con người không phụ thuộc vào giới tính, xuất thân hay hình thể của họ mà phụ thuộc nỗ lực của chính cá nhân đó.

Mặc dù đây đó có những người đàn ông Việt vẫn thể hiện sự kỳ thị của họ, nhưng nó quá lạc lõng với xung quanh nên ít ai để ý.

Vì vậy, khi quay về Việt Nam tôi bị sốc.

Đầu tiên là khi ông xã tương lai đề xuất tôi nên để tóc dài để gia đình anh dễ chấp nhận hơn.

Tôi trả lời luôn là “Không chấp nhận mà anh không thuyết phục được thì thôi vì em không làm gì sai mà phải thay đổi”.

Tuy nhiên, bạn bè, thậm chí người thân của tôi nghe chuyện cũng khuyên tôi phải thế này thế kia để lấy lòng nhà chồng.

Tôi thật sự không hiểu vì chúng tôi yêu nhau, tự nguyện đến với nhau, anh ấy còn từng theo đuổi tôi rất lâu, biết rõ con người của tôi, vì sao bây giờ tôi lại phải giả bộ để vừa lòng ai đó mới được chung sống với anh?

Nếu việc chung sống dựa trên sự giả dối của một cá nhân thì liệu có hy vọng hạnh phúc? May mà anh không bao giờ nhắc lại chuyện ấy và bố mẹ anh cũng không phản đối gì chúng tôi nên tôi lại càng tin vào giá trị của việc trung thực.

Những tưởng các tư tưởng kiểu vậy chỉ giới hạn trong đời sống ở những vùng xa xôi, ai ngờ tôi phải đối diện với nó ngay trong cuộc sống hàng ngày giữa thủ đô và cả trong công việc. Đến các công sở tôi luôn phải đối mặt với những ánh mắt móc máy của cánh đàn ông, những cái động chạm cố tình, những lời cợt nhả về vòng nọ vòng kia của mình.

Nếu các hành vi đó xuất phát từ những người ngoài đường thì tôi sẽ không để tâm nhiều nhưng vì nó lại xuất phát từ những người “có học” nên làm tôi càng khó chịu.

Đỉnh điểm là khi một đồng nghiệp đùa cợt so sánh vòng một của tôi với ảnh một cô gái trên báo, tôi đã nổi cáu lên và công khai phản đối khiến anh ta phải chấm dứt.

Đáng ngạc nhiên là anh ta từng hành xử như vậy với rất nhiều phụ nữ nhưng không ai phản ứng, thậm chí vài người còn khuyên tôi là “Làm hoa cho người ta hái – Làm gái cho người ta trêu”, con gái nên biết nhẫn nhịn thì mới được đàn ông thích. Tôi không dám cãi nhưng trong bụng thầm nghĩ:

“Được kiểu đàn ông như thế thích thì tôi thà ế còn hơn”!

Sau này tôi mới nhận ra trong văn hoá Việt đến bố mẹ còn nghĩ “Con gái là con người ta” – con dứt ruột đẻ ra mà cũng coi như một thứ đồ vật trước sau phải đem bán cho người khác.

Chính vì suy nghĩ mục đích tối thượng của người phụ nữ là lấy được một người chồng nên họ không nhìn nhận con gái như một cá thể độc lập mà chỉ như một công cụ để phục vụ cho chồng và nhà chồng mà nhiệm vụ quan trọng nhất là sinh con đẻ cái để di truyền nòi giống.

Tư tưởng ấy đã được ngay cả một số cơ quan truyền thông ủng hộ nên không chỉ đàn ông mà rất nhiều phụ nữ cũng tin rằng đó là cách sống đúng đắn duy nhất.

Đấy là lý do cho nạn bạo hành phụ nữ trong gia đình khi người vợ không làm vừa ý chồng hoặc gia đình anh ta, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu mà người vợ luôn ở thế yếu dù khi cưới người chồng đã hết lời ngon ngọt dụ cô ta về nhà mình.

Đó là chưa kể những phụ nữ bất hạnh vô sinh luôn bị gia đình chồng ruồng bỏ bất kể công sức, tình nghĩa của cô với nhà chồng…

Đây cũng là lý do cho những lời đùa cợt đầy tính xúc phạm công khai của đàn ông về thân thể phụ nữ nhan nhản khắp nơi và được ngay cả phụ nữ chấp nhận.

Tôi không thể chấp nhận cụm từ “phi công trẻ cưỡi máy bay bà già” dùng giễu cợt những người phụ nữ yêu hay cưới người ít tuổi hơn mình, trong khi họ lại khâm phục những người đàn ông cưới những cô gái chỉ bằng tuổi con cháu họ.

Từ hơn 200 năm trước George Sand đã nói:

Chúng ta nuôi dạy con gái như các vị thánh nữ để rồi bán chúng đi như nô lệ” nhưng đến giờ tình hình ở Việt Nam cũng chưa có nhiều thay đổi.

Bao giờ xã hội này hiểu phụ nữ là con người, không phải công cụ cho mục đích nào đó?

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày