Những người dùng Quora đã thảo luận vấn đề này trong một diễn đàn mở năm 2014: "Bất lợi của việc quá thân thiện là gì?". Kết quả là những người trả lời phát hiện có một vài việc mà nếu chúng ta quá tử tế sẽ không thể phát triển tại nơi làm việc.
Trang Business Insider đã tóm tắt một số câu trả lời hay nhất để cho thấy quá tử tế trong công việc có thể phản tác dụng. Tuy nhiên, bạn không cần phải xấu tính, mưu mô tại nơi làm việc, chỉ là đừng ngại đứng lên dành quyền lợi cho chính mình.
Bạn có thể bị coi là tẻ nhạt
Quá tử tế có thể chuyển thành thụ động và nhạt nhẽo. "Mọi người sẽ sớm cảm thấy bạn nhàm chán". Hãy để cho cá tính của bạn thể hiện nhưng vẫn phải giữ lịch sự, có chừng mực khi giao tiếp.
Mọi người có thể sẽ không lắng nghe bạn
"Nếu bạn cả nể, ngại từ chối, mọi người có thể cho rằng bạn sẽ đồng ý, và sẽ liên tục làm phiền và dỗ ngọt bạn làm những việc mà thực sự bạn không muốn".
Đồng nghiệp sẽ bắt đầu coi bạn là một người không bao giờ biết nói "không", và cố gắng nhờ bạn làm mọi thứ, kể cả khi mà bạn có cả một núi việc.
Người sử dụng Quora Borang Touch cũng đồng ý rằng, bạn sẽ càng thu hút những người khiến cho bạn cảm thấy tội lỗi nếu từ chối bất cứ việc gì.
Mọi người có thể lợi dụng bạn
Một số người có thể hiểu rằng sự tử tế của bạn là dấu hiệu của sự yếu đuối. Điều đó dẫn tới việc họ tin rằng bạn sẽ không biết lên tiếng cho bản thân và dễ dàng bị lôi kéo.
Và một khi bạn làm mọi thứ mà người khác sai khiến, họ sẽ luôn nghĩ đến việc bạn phải chấp nhận điều họ nói. Nếu bạn nói: "Vâng, tôi vui lòng làm điều đó", họ sẽ nghĩ rằng họ có quyền đối xử với bạn như vậy.
Mọi người có thể đặt hi vọng quá cao vào bạn
Một khi bạn không thể từ chối, mọi người sẽ có thể nghĩ khác nếu bạn lên tiếng cho bản thân mình.
Nếu bạn quyết định thay đổi để không bị ngược đãi, mọi người sẽ cảm thấy mất hứng nếu bạn từ chối làm điều gì đó và bạn sẽ nhận lại được những lời than vãn rằng: "Bạn từng là người tốt, nhưng bạn đã thay đổi rồi".
Mặc dù việc từ chối của bạn là hoàn toàn có lý, nhưng nó vẫn sẽ thể hiện sự ích kỷ, đối lập với cách xử sự hàng ngày của bạn.
Bạn có thể bị nghi ngờ
Không phải tất cả nhưng nhìn chung bạn là người sống tử tế và tích cực. Tuy nhiên, người khác sẽ đặt dấu chấm hỏi kiểu như sự tử tế của bạn đang đi kèm với những động cơ mờ ám.
Giống như việc không có bữa ăn nào là miễn phí, chắc chắn rằng không có chuyện bạn quá tử tế mà không có nguyên nhân gì. Mọi người sẽ bắt đầu đặt câu hỏi như thực sự bạn muốn gì, ngay cả khi bạn đang cố gắng trở thành người tốt.
Quá tử tế cũng có thể ngăn việc bạn xây dựng những mối quan hệ thực sự trong công việc như với ông chủ hoặc đồng nghiệp.
"Bạn có thể bị coi là một người giả tạo, điều mà sẽ cản bước bạn trong việc tạo dựng mối quan hệ có ý nghĩa đối với những người xung quanh" - Brian Lewis.
Bạn sẽ không được tôn trọng
Nếu bạn quá tử tế mọi lúc mọi nơi, nó sẽ trở thành điều duy nhất mọi người nhìn thấy ở bạn.
Bạn sẽ bị coi nhẹ bởi nếu tử tế ngay cả khi những người khác chơi xấu, bạn sẽ không thể có được sự tôn trọng mà bản thân xứng đáng nhận được.
Bạn sẽ lãng phí nhiều thời gian của bản thân
Bạn thỏa hiệp và cố gắng làm những điều có lợi cho người khác? Nếu bạn dành tất cả thời gian của mình tập trung vào việc giúp đỡ người khác, bạn sẽ hết thời gian để tập trung vào bản thân và các dự án của riêng mình.
Kết quả của việc quá tử tế là bạn sẽ bị coi nhẹ
Nhiều người chỉ biết nhờ vả mà không biết trả ơn khi bạn cần giúp đỡ. Họ coi đó là điều hiển nhiên bạn phải làm và không hề ghi nhớ công sức bạn bỏ ra. Do đó, họ sẽ không làm bất cứ điều gì nếu như không được yêu cầu rõ ràng.
Điều đó có thể khiến bạn cảm thấy không hài lòng ở nơi làm việc.
"Nếu bạn không ngừng việc làm tất cả mọi thứ, bạn sẽ không bao giờ đạt được điều bạn thực sự muốn", người dùng Quara viết.
Sống quá tử tế không phải lúc nào cũng khiến bạn được lòng bạn bè, đồng nghiệp. Sự thật thì đây chính là tảng đá ngăn cản bước tiến của bạn tại nơi làm việc. Đừng bao giờ để người khác lợi dụng sự tử tế cả trong công việc lẫn cuộc sống thường ngày.
Ảnh: Bruckandmoss
© 2024 | Thời báo ĐỨC