Xe tăng địch bị quân ta đánh gục ngay loạt đạn đầu tiên tại khu vực cầu Bản Sẩy, xã Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. |
Hè năm ngoái, đoàn cựu chiến binh của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM có dịp đến thăm các di tích lịch sử của vành đai lửa nơi biên giới. Chúng tôi đã đến viếng các nghĩa trang, các nhà tưởng niệm các chiến sĩ và nơi diễn ra những trận đánh ác liệt bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài suốt từ năm 1979 đến 1991.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đài tưởng niệm Pò Hèn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái, Quảng Ninh).
Mấy năm gần đây, việc tổ chức kỷ niệm và tưởng niệm về ngày 17-2 và những năm tháng hào hùng đó được tổ chức đàng hoàng, trọng thể. Nhiều nhà tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ dọc biên giới được xây dựng, các nghĩa trang được đầu tư và chăm lo, việc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ được làm chu đáo.
Và từ năm 2020, những phim tài liệu chỉ đích danh và nêu đúng tên sự kiện được công khai trình chiếu trên kênh truyền hình quốc gia. Đó là điều mà Nhân dân hoan nghênh, thấy rất ấm lòng.
"Sự thật lịch sử thì không ai được phép lãng quên. Bởi phải thấu hiểu chiến tranh mới cảm nhận trọn vẹn giá trị của hòa bình; phải am tường quá khứ mới hội đủ sức mạnh để hướng tới tương lai"
Nhân dịp về thăm chiến trường xưa lần ấy, tôi ngỏ ý đi thăm bảo tàng chiến tranh biên giới phía Bắc. Các anh ở bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, bộ đội biên phòng và ban quản lý các nghĩa trang nói không có bảo tàng như thế ở vùng biên giới phía Bắc. (Ở Bảo tàng Lịch sử quân sự tại Hà Nội có một phòng chuyên đề trình bày khái quát bằng hình ảnh và sơ đồ về cuộc chiến này - NV). Các anh ấy nói nếu có bảo tàng thì cũng chẳng có gì, còn gì để trưng bày cả…
Xe tăng địch bị quân và dân Cao Bằng tiêu diệt tại mặt trận đồi Thanh Sơn, khu vực Nà Toàng, ngày 19-2-1979. |
Khi về Hà Nội và TP.HCM, tìm hiểu kỹ tôi mới thấy đau xót.
Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc ấy, chúng ta đã tiêu diệt hàng trăm xe tăng, phá hủy hàng ngàn khẩu pháo, xe cơ giới… Thế nhưng đến nay khó mà tìm ra được những xác xe tăng, những nòng pháo, những bộ quần áo tù binh… năm xưa.
Đó là chưa nói trước khi rút đi, kẻ thù đã điên cuồng đốt cháy, đập phá, san thành bình địa làng mạc, trường học, bệnh viện, nhà máy, đường sắt của các thành phố, thị xã, làng mạc sát biên giới…
Ấy thế mà giờ đây, đến một thanh ray còng queo, một bức tường bị đạn bắn, một mái nhà dân bị đốt cháy… cũng không còn lưu lại được.
Có lẽ vì thế mà tư liệu, chứng tích về cuộc chiến tranh vệ quốc này còn lại quá ít. Chỉ với những bức ảnh và thước phim tư liệu quý giá mà chúng ta được xem trong những năm gần đây, ai cũng thấy cuộn trào trong huyết quản biết bao nhiêu tình cảm thổn thức, tự hào.
Vì vậy, một bảo tàng hay một phòng trưng bày trong bảo tàng với đầy đủ chứng tích của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc là điều rất nên có! Lịch sử là ghi chép, là lưu giữ các di tích, di vật lại một cách trung thực, khách quan, khoa học. Và sự thật lịch sử thì không ai được phép lãng quên.
Bởi lẽ phải thấu hiểu chiến tranh mới cảm nhận trọn vẹn giá trị của hòa bình; phải am tường quá khứ mới hội đủ sức mạnh để hướng tới tương lai.
|
TS NGUYỄN MINH HÒA
Nguồn: Báo điện tử Pháp Luật TP.HCM
© 2024 | Thời báo ĐỨC