Ký ức về ngày 17/2/1979 của một du học sinh: Người thầy Ukraina sốt sắng giục học trò về bảo vệ tổ quốc

44 năm trước, ngày 17/02/1979, Trung Quốc đồng loạt tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Biết tin Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979, người thầy Ukraina sốt sắng giục học trò về bảo vệ tổ quốc.

1 Ky Uc Ve Ngay 1721979 Cua Mot Du Hoc Sinh Nguoi Thay Ukraina Sot Sang Giuc Hoc Tro Ve Bao Ve To Quoc

44 năm trước, ngày 17/02/1979, Trung Quốc đồng loạt tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Khi đó tôi đang học năm cuối ở Trường Đại học Xây dựng Kharkov (XИCИ), Ucraina, Liên Xô cũ.

Tôi biết tin này khi Chương trình Thời sự của Đài Truyền hình Liên Xô đưa tin vào lúc 9 giờ tối cùng ngày. Tôi vẫn nhớ rất rõ tin được đưa ngay vào phần đầu của bản tin Thời sự của Truyền hình Liên Xô tối hôm ấy, rất ngắn gọn rõ ràng:

"Sáng sớm nay theo giờ Việt Nam, nhiều sư đoàn quân đội Trung Quốc đồng loạt tấn công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Quân đội và nhân dân Việt Nam đã kháng cự và chống trả mãnh liệt quân đội Trung Quốc xâm lược…".

2 Ky Uc Ve Ngay 1721979 Cua Mot Du Hoc Sinh Nguoi Thay Ukraina Sot Sang Giuc Hoc Tro Ve Bao Ve To Quoc

Chiến sĩ bảo vệ từng tấc đất trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979. Ảnh tư liệu TTX.

Nghe tin đó tôi rất bàng hoàng và cũng vô cùng lo âu. Lo cho đất nước, lo cho người thân trong gia đình, nhất là tôi có người anh đang ở trong quân ngũ. Phương tiện liên lạc thời đó với gia đình đâu có gì. Thư gửi cả tháng mới về đến nhà… Lo vô cùng nhưng cũng chẳng biết làm gì…

Sáng hôm sau đến trường. Môn thi cuối cùng trước khi làm Đồ án tốt nghiệp. Môn máy động lực. Vào phòng thi, bốc đề bài. Chuẩn bị xong. Giáo viên gọi lên trả lời.

Chấm thi môn ấy là một giáo sư khả kính, ông là Chủ nhiệm bộ môn máy xây dựng, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nikolai Bolotskich (Николай Степанович Болотских, khi ấy ông là GS-TSKH trẻ nhất của trường mà lại là Hiệu phó, chủ nhiệm bộ môn, chưa đến 40 tuổi).

Khi tôi được gọi lên, ngồi trước mặt ông để chuẩn bị trả lời các câu hỏi. Vừa ngồi xuống thì ông hỏi ngay:

- Anh đã biết gì về tình hình đất nước anh chưa?

Tôi trả lời rằng đã biết và cũng chỉ nghe qua tin tức của Đài Truyền hình Liên Xô. Vừa nghe tôi nói xong, vị Giáo sư nói ngay:

- Thôi, hôm nay anh không phải trả lời các câu hỏi trong đề thi đâu. Tôi biết anh học nghiêm túc từ khi tôi bắt đầu dậy lớp của anh rồi! Hôm nay tôi cho anh 5 điểm (điểm 5 là điểm cao nhất trong thang điểm của Đại học Liên Xô khi đó). Anh về đi! Nhanh nhanh làm đồ án tốt nghiệp rồi về nước bảo vệ Tổ quốc! Tôi rất hiểu tâm trạng của những người như anh trong thời điểm này! Còn bụng dạ đâu mà học nữa…

Giọng ông rất chân thành.

Tôi lặng đi! Phải mấy giây sau tôi mới định thần lại được và nói lời cám ơn. Kèm theo lời cám ơn tôi cũng nói thêm là tuy lo cho đất nước và người thân ở nhà nhưng tôi vẫn chuẩn bị bài thi nghiêm túc. Giáo sư cứ hỏi, tôi sẵn sàng trả lời…

3 Ky Uc Ve Ngay 1721979 Cua Mot Du Hoc Sinh Nguoi Thay Ukraina Sot Sang Giuc Hoc Tro Ve Bao Ve To Quoc

Giáo sư Николай Степанович Болотских (1938-2022). Ảnh nhân vật cung cấp.

Ông gạt đi và nói rất rõ ràng là ông biết lực học và tinh thần học tập của tôi với môn ông dậy như thế nào rồi. Chính vì biết thì ông mới xử sự như thế. Thật cảm động khi thấy lòng ái quốc thì ở đâu cũng có những người đồng cảm!

4 Ky Uc Ve Ngay 1721979 Cua Mot Du Hoc Sinh Nguoi Thay Ukraina Sot Sang Giuc Hoc Tro Ve Bao Ve To Quoc

Tác giả đứng trước Cổng trường Đại học Xây dựng Kharkov (XИCИ) năm 2019. Ảnh nhân vật cung cấp.

Và chính ông sau đó phụ trách đồ án tốt nghiệp của tôi. Sau này Giáo sư Николай Степанович Болотских trở thành Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Kharkov (XИCИ) và ở cương vị Hiệu trưởng trường này lâu năm nhất, trong suốt 28 năm, từ 1980-2008. 

Nghĩa là ông ở cương vị Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Kharcov hơn chục năm khi còn chính thể Liên Xô (trước 1991) và gần 20 năm sau khi Ucraina là nước Cộng hòa độc lập.

Tôi được tin ông vừa qua đời ngày 02/8/2022 tại Kharcov vì tuổi già trong bối cảnh thành phố này suốt ngày đêm bị bom đạn bắn phá. 

Dù 44 năm đã trôi qua, mái đầu tôi đã bạc, những ngày tháng 2 này nhớ lại Thầy vẫn không khỏi bồi hồi. 

Nguyễn Văn Ất

Báo Dân Việt


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày