Không lạ những “sáng kiến” kỳ quặc kiểu lắp mái che cho đường phố

Vụ Sở Quy hoạch và Kiến trúc đề xuất lắp mái che cho đường phố ở TPHCM, không lạ, vì những “sáng kiến” kỳ quặc kiểu này vốn nhan nhản trong hệ thống công quyền; nhưng nó khiến nhớ đến tư duy, tâm lý và văn hóa của đông người Việt thời này.

1 Khong La Nhung Sang Kien Ky Quac Kieu Lap Mai Che Cho Duong Pho

Mái tôn khắp nơi, từ nhà phố đến nhà nông thôn.

Ở quê tôi bây giờ, nếu muốn tìm thấy một nhà nào không bắn mái tôn che kín hết sân, e khó. Mái tôn tất nhiên có cái tiện của nó, vừa che nắng che mưa, chi phí cũng không quá cao. Nhưng nóng và xấu xí kinh khủng.

Ngày xưa, lúa ngô khoai sắn là nguồn sống gần như duy nhất, nên sân dùng để phơi nông sản, thành ra phải làm sao để đón nắng tối đa; nay cuộc sống đã thay đổi, đường làng cũng được bê tông hết, nên nếu cần thì phơi luôn trên đường! Thành ra, sân thành nơi để xe, ngồi chơi, thậm chí ăn nhậu. Không làm gì với cái sân người ta cũng lắp mái tôn...

Ở nhiều vùng nông thôn bây giờ, cây cối bị đốn sạch, đường làng trơ trụi, khuôn viên sân vườn cũng trơ trụi.

Để chống nóng, người ta lắp mái tôn. Những ngôi nhà có chiếc mái sùm sụp phía trước, nhìn vào tối om, đó là hình ảnh điển hình mà đi suốt từ Bắc vào Nam, chỗ nào cũng thấy như nhau một màu.

Thay vì trồng cây để lấy bóng mát tự nhiên, điều hòa không khí và tạo cảnh quan môi trường, làm đẹp cho không gian sống của mình thì càng ngày người Việt càng cách biệt với thiên nhiên. Dưới chân là bê tông, trên đầu tôn sắt. Và người ta gọi đó là tiện nghi, là phát triển, là “đời sống được cải thiện”.

Nhà bố mẹ tôi cũng có một mái hiên nhỏ phía trước nhưng đã cũ và dột, cách đây gần 3 năm khi về quê, tôi làm lại cho ông bà, cũng chỉ nhỏ như thế. Nhưng từ hàng xóm đến thợ sắt, ai cũng can, rằng đã làm thì làm hết sân luôn, ai lại làm dở dang như thế! Với tôi, bất đắc dĩ lắm mới phải bắn ra một chút như thế để mưa núi không lùa vào, khi bố mẹ đã lớn tuổi, chứ trong lòng thì khó chịu lắm.

Riêng nhà của mình thì dù có bất tiện chút tôi vẫn quyết không lắp mái che, nó sẽ phá vỡ sự hài hòa của ngôi nhà và không gian sân vườn.

Một chút nắng, chút mưa, đó là quy luật của trời đất, là vẻ đẹp của thiên nhiên, hà cớ gì phải chạy trốn cho bằng được? Có một câu quảng cáo thuốc cảm vui vui nhưng đúng, “nắng đã có mũ, mưa đã có ô”, chứ ai lại đi lắp cái mái tôn cho cả một con đường!

Rồi cây cối trồng vào đâu? Không khí điều hòa kiểu gì? Mưa thì nước chảy thế nào...?

Thật không hiểu nổi tư duy của những đề xuất kiểu này.

2 Khong La Nhung Sang Kien Ky Quac Kieu Lap Mai Che Cho Duong Pho

Quay lại với lối sống bê tông cốt thép của người Việt.

Tôi cảm nhận rằng, dường như nhu cầu về cái đẹp đang ngày càng mất đi, hay biến dạng thành thô lỗ xấu xí; sự tinh tế trong một đời sống hòa hợp với thiên nhiên cũng dần tiêu tan. Cái tư duy sắt thép kia đang làm han rỉ đầu óc con người. Tất cả như dần đông cứng lại, xơ vữa ra.

Cuộc sống đang thu hẹp lại trong những nhu cầu về sự tiện lợi và vật chất, chứ không rộng mở ra với tâm thế khoáng đạt và hòa mục.

Nhìn vào sự phát triển của mái tôn trên cả nước tỉ lệ nghịch với cây xanh và cái đẹp, có thể thấy được sự đi xuống của đời sống tinh thần, trên phương diện xã hội.

Từ mái tôn của mỗi nhà đến cái đường tôn của một thành phố, chỉ là vấn đề thời gian.

Từ cái lối tâm lý sắt thép đến việc đóng khung cuộc sống lại trong sắt thép, cũng chỉ là vấn đề thời gian. Cuộc sống dường như đang bé lại, nhỏ đi, đông đặc và tê cứng, khắp nơi...

Thái Hạo


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày