Khoản tiền này được cho là từ nguồn “xã hội hóa,” tức đóng góp từ các gia đình kinh doanh trên đường Lê Lợi và một phần từ tiền thuế dân.
Vỉa hè đường Lê Lợi ở Sài Gòn bây giờ trơ trụi, không còn bóng mát của cây xanh như trước đây. (Hình: Chân Phúc/Lao Động)
Theo báo Lao Động hôm 24 Tháng Ba, ý tưởng nêu trên được giới chức diễn giải là để “tạo không gian mát mẻ” và “giúp du khách dễ dàng thăm viếng, mua sắm.”
Dự kiến mái che được lắp vươn ra 4 mét trên vỉa hè một bên đường Lê Lợi, nay trơ trọi, không còn bóng cây xanh.
Mái che được mô tả gồm khung sắt và mái tôn đóng trần bên ngoài, có lắp đặt thêm biển quảng cáo.
Giới chức Sở Quy Hoạch và Kiến Trúc giải thích việc cần lắp đặt mái che trong thời điểm này là vì “không thể bố trí ngay cây xanh và mảng xanh đủ lớn để tạo bóng mát cho vỉa hè.”
Nhà báo tự do Đoàn Bảo Châu bình luận trên trang cá nhân rằng ông “bàng hoàng trước tư duy có tính đột phá này, xin đường ngả mũ nghiêng mình.”
Ông Châu viết nửa đùa nửa thật rằng, giới chức tính chuyện lắp đặt mái che dưới là bê tông, trên là mái tôn, để người dân “được hưởng tắm hơi khô miễn phí đây mà.”
Ông Châu cũng đặt câu hỏi: “…Người nào là tác giả của ‘sáng kiến’ này nhỉ? Các ông chống ngập mãi chưa thành công, chỉ thành công ở điểm tiêu rất nhiều tiền thuế của dân một cách vô ích, giờ lại lo chống nắng, như vậy có sợ là ôm đồm quá không?”
Khu trung tâm Sài Gòn chỉ còn lại ít cây xanh. (Hình: Chân Phúc/Lao Động)
Cùng thời điểm, Bác Sĩ Võ Xuân Sơn ở Sài Gòn viết vui trên trang cá nhân rằng sẵn tiện lắp mái che cho vỉa hè đường Lê Lợi, giới chức nên tiến tới “làm mái che toàn bộ thành phố, lắp máy lạnh cho toàn bộ thành phố, nâng đắp thành phố lên cao dần.”
Một số ý kiến khác trên mạng xã hội thì nhắc lại chuyện hồi năm 2019, bà Phan Thị Hồng Xuân, phó giáo sư, tiến sĩ, đại biểu Hội Đồng Nhân Dân thành phố, từng bị chỉ trích vụ nêu “sáng kiến” về “chống ngập bằng lu” mà bà này diễn giải là “theo kinh nghiệm dân gian.”
N.H.K
© 2024 | Thời báo ĐỨC