Hệ thống loa phường nhằm đưa thông tin tới người dân tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Nội dung trên nằm trong kế hoạch về thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 - 2025 do UBND TP Hà Nội vừa ban hành.
"Thời đại 4.0 rồi mà"
Để "chuyển đổi số" loa phường, UBND TP Hà Nội cho biết đến năm 2025, 100% đài truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Những đài truyền thanh này sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh cũng như chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.
Động thái làm "sống lại loa phường" trên của UBND TP Hà Nội nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. ông Nguyễn Ngọc Tú (45 tuổi, Hà Nội) cho rằng việc Hà Nội vận hành lại loa truyền thanh về tận thôn, tổ dân phố tại các xã phường ở thủ đô là không cần thiết và tốn kém chi phí.
"Chưa kể việc làm này còn không mang lại nhiều hiệu quả trong việc phát thông tin cho người dân. Đất nước đang bước vào thời đại 4.0, thông tin bùng nổ và cập nhật đến chóng mặt nên tôi nghĩ nhiều người cũng không quan tâm nhiều đến thông tin được phát đi tại các loa phường nữa", ông Tú nói.
Ông Tú cho rằng hiện nay hầu như gia đình, cá nhân đều có điện thoại thông minh, chỉ cần thông tin trên các nền tảng xã hội, tin nhắn... thì người dân sẽ nắm bắt được nhanh chóng. Chứ phát trên loa phường vừa ồn ào, tốn kém lại chẳng nhiều người tập trung để tiếp nhận thông tin.
Cùng quan điểm, anh Đỗ Hiển Vi (25 tuổi, Hà Nội) bày tỏ: "Tôi rất bất ngờ khi biết thông tin như trên. Năm 2022 rồi mà Hà Nội vẫn đặt mục tiêu tới năm 2025 phủ sóng loa phường đến tận các thôn, xóm.
Xã hội đang thay đổi từng giờ và tôi nghĩ hiện nay việc phát thông tin bằng loa phường không còn phù hợp bởi sẽ gây phiền phức cho một số người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ bởi tiếng ồn mà nó mang đến. Tôi cho rằng loa phường phát vào những khung giờ cố định, nhiều người đi làm không ở nhà sẽ không nắm bắt được thông tin".
"Loa phường đã hoàn thành sứ mệnh"
Qua khảo sát của Tuổi Trẻ, đa số người dân cho rằng "nghe đến việc khôi phục loa phường là thấy rất ái ngại" và không đồng ý với kế hoạch trên. Tuy nhiên, bên cạnh đa phần các ý kiến không đồng thuận việc khôi phục loa phường, cũng có một số ý kiến cho rằng việc cung cấp thông tin qua loa phường là cần thiết, nên duy trì bởi đây là "một nét văn hóa tích cực, thông tin thời sự, cần thiết tới người dân".
Vào năm 2017, ông Nguyễn Đức Chung, khi đó là chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng "loa phường đã hoàn thành sứ mệnh" và tổ chức lấy ý kiến người dân về việc dừng sử dụng thiết bị này.
Đến tháng 8-2017, Hà Nội đã ban hành đề án số 5133 sắp xếp lại hoạt động của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn theo hướng tại các quận chỉ duy trì từ 5 đến 10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa) và loa phường tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng không phát hằng ngày, chỉ phát khi có thông báo khẩn như thiên tai, dịch bệnh hoặc theo yêu cầu của trung ương, TP.
Thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng tại Hà Nội, hệ thống loa phường tại thủ đô cũng đã được khôi phục để phục vụ tuyên truyền chống dịch. Tuy nhiên, việc lặp lại loa phường hiện nay đang vấp phải vấn đề đặt ra có cần thiết hay không.
* Bà Khuất Thu Hồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội):
Không có tác dụng
Tôi thấy loa phường ở Hà Nội gần như không có tác dụng, bởi ở các vùng nông thôn thì còn có hiệu quả, nhưng ở TP thì mọi người đều bận rộn và không ai nghe. Hà Nội ô nhiễm tiếng ồn đã khủng khiếp rồi, bây giờ có thêm cái loa nữa thì không biết ai nghe được, quá ồn ào. Tôi cũng băn khoăn về tác dụng của loa phường và quan điểm của tôi là không khả thi.
Hiện nay mọi người sử dụng Internet rất nhiều, qua các hội nhóm như Zalo thì có thể thông báo thông tin qua các hình thức này. Chứ bây giờ mất công xây dựng hệ thống loa mà người ta không nghe lại quá lãng phí.
Như ở phường tôi ở, công an khu vực có Zalo các hộ dân thì họ thường nhắn qua đây, thông tin cập nhật liên tục, nhanh gọn hơn loa phường rất nhiều.
Ngày xưa tôi làm việc ở 72 Lý Thường Kiệt, cứ 16h là cơ quan tôi họp, nhưng cũng thời điểm đó là loa phường phát lên rất to. Mọi người phải tranh nhau nói đua với loa phường nên rất ồn ào, phiền phức và khổ sở.
* Ông Vũ Hoàng Liên (chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam):
Đâu nhất thiết cứ phải loa phường
Các cấp chính quyền địa phương có mục tiêu trao đổi thông tin với người dân là chính đáng. Tuy nhiên, loa phường là thông tin một chiều, trong khi đó bây giờ người dân cần thông tin đa chiều. Nếu chỉ dùng loa phường thì thông tin tương tác ngược trở lại của người dân với chính quyền cũng cần có thêm những phương tiện khác.
Ngoài ra nếu loa phường phát vào những giờ hợp lý thì không sao, nhưng nhiều khi họ phát vào những giờ không hợp lý vô tình lại thành ô nhiễm tiếng ồn. Nếu như có ý định dùng loa phường để tuyên truyền thì phải rất chú ý về thời gian phát thông tin. Đó là chưa nói đến việc âm lượng của loa cũng cần được lưu ý, ví dụ nơi gần thì lại quá to, nhiều người dân phải chịu một âm thanh quá lớn.
Theo tôi, xu thế bây giờ các phương tiện online qua Internet quá bùng nổ. Số lượng người dân dùng điện thoại thông minh có thể tương tác với chính quyền địa phương qua Internet, online rất lớn, nên tương tác tiện lợi hơn rất nhiều. Vì vậy tôi nghĩ là nên hướng việc truyền thông tin qua hình thức online thay vì qua loa phường.
Chúng ta không phê phán việc dùng loa phường nhưng nên lựa chọn hình thức truyền tải thông tin thiết thực, hiệu quả hơn.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC