Theo báo cáo thị trường lao động TP HCM trước và sau Tết Quý Mão do Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) công bố mới đây, dựa trên khảo sát gần 7.500 người, hơn 46% người tìm việc muốn lương trên 20 triệu đồng mỗi tháng.
Ở chiều ngược lại, khảo sát gần 2.000 doanh nghiệp, chỉ chưa đến 11% trong số đó trả được mức này. Có thể thấy, kỳ vọng về lương của người lao động đang khá cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Thực tế, doanh nghiệp luôn muốn tối ưu hóa lợi nhuận nên việc giới hạn mức lương chi trả cho người lao động cũng là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, làm gì thì làm, nhưng người lao động trong độ tuổi lao động ít nhất cũng phải nuôi sống được chính họ, thậm chí là gia đình. Với mức sống cơ bản ở TP HCM hiện nay, mức lương dưới 10 triệu đồng (chiếm đến gần 45% số doanh nghiệp chi trả được) là rất khó để người lao động có thể sống được.
Tôi tính chi tiêu đơn giản của một người lao động ở thành phố như sau: buổi sáng ăn xôi hay bánh mì, rẻ nhất cũng 15-20 nghìn đồng; buổi trưa ăn một bữa cơm bình dân giá 25-30 nghìn đồng, buổi tối tự nấu ăn tối thiểu cũng 70 nghìn đồng (chưa tính nước uống, trái cây...). Như vậy, một tháng, một người chi tiêu tối thiếu cũng hết 2,5 triệu đồng.
Ngoài tiền ăn, tiền nhà trọ cho hai người ở vùng ven cũng tốn trung bình 2 triệu một tháng, nếu ở các khu vực như Bình Thạnh hay quanh đó thì phải tốn tới 3 triệu đồng (chưa tính điện nước).
Như vậy, riêng tiền nhà trọ và điện nước cũng ngốn ít nhất 1,5 triệu đồng mỗi người một tháng. Cộng thêm tiền điện thoại, đồ vệ sinh cá nhân, xăng xe khoảng một triệu đồng nữa.
Tổng cộng mỗi người lao động chi tiêu tối thiều khoảng 5 triệu đồng một tháng (nếu không bạn bè, không giao lưu, đám tiệc, cà phê, hội họp...).
Những thử hỏi, ai có thế sống như một cái máy sinh học, cứ nạp năng lượng rồi làm việc như thế mãi? Vậy nên, để chi tiêu cơ bản của một người tồn tại cần thêm khoảng 2 đến 3 triệu đồng nữa cho các hoạt động tinh thần khác. Chưa tính ai cũng phải có chi phí đề phòng cho các rủi ro về sức khỏe, tai nạn... Như thế, thử hỏi thu nhập dưới 10 triệu đồng, sao người lao động tồn tại được ở thành phố? Mà đã không tồn tại được thì doanh nghiệp có lời hay lỗ, họ cũng không thể cống hiến.
Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp ở TP HCM chỉ muốn trả mức lương dưới mức sống tối thiểu sẽ không bao giờ tuyển được người lao động. Những doanh nghiệp chỉ dựa vào lao động giá rẻ đã và đang bắt buộc phải dời đi nơi khác và đó đang là xu thế.
Hiện nay, không còn các doanh nghiệp dựa trên lao động giá rẻ như dệt may da giày mở mới tại các khu công nghiệp ở TPHCM nữa. Những doanh nghiệp cũ cũng phải thu hẹp sản xuất hoặc dừng hẳn để chuyển đi địa phương khác.
Điều này dẫn đến doanh nghiệp trả lương thấp ngày một ít, thay thế vào đó là các doanh nghiệp trả lương cao và yêu cầu trình độ người lao động ngày một cao. Đồng nghĩa với việc, tỷ lệ người lao động mong muốn mức lương tốt hơn ngày một lớn cũng là tất yếu.
Van Tung
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC