Chuyện không mới
Tiến sĩ, giáo sư vốn là học vị, học hàm dành cho những người trải qua quá trình học tập nghiên cứu nghiêm túc và bền bỉ.
Họ là những người đóng góp cho giáo dục và khoa học nước nhà bằng những suy nghĩ tư tưởng có tính tiên phong, dẫn dắt; hay những phát minh, phát kiến thiết thực.
Từ đó tham mưu hoặc phản biện những chủ trương, sách lược nhằm xây dựng và phát triển đất nước...
Tiến sĩ, giáo sư vì thế, được xem là “bộ mặt tinh thần”, “bộ mặt tri thức và văn hóa” của một dân tộc không chỉ trong tư cách của những nhà khoa học mà còn là tư cách của những người trí thức chân chính.
Thế nhưng, đáng tiếc thay, thời gian qua những danh xưng này đã và đang bị mỉa mai, phê phán từ cộng đồng xã hội.
Bởi có không ít người tuy cũng mang danh tiến sĩ, giáo sư nhưng chỉ nghe tên “công trình” nghiên cứu của họ thôi đã là một nỗi hổ thẹn cho nền học thuật nước nhà; cho những ai còn biết tự trọng.
Vẫn biết dư luận và tâm lý đám đông đôi khi rất cực đoan và cay nghiệt nên đã vô tình làm tổn thương những nhà khoa học chân chính và tử tế.
Nhưng thử hỏi tất cả “những người trong cuộc” có bao giờ tự phản tỉnh và nghiêm túc nhìn lại vấn đề này từ chính bản thân mình chưa?
Còn nhớ, năm 2017, thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng thanh tra và kết luận nhiều sai phạm ở Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam liên quan đến vấn đề đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ [1].
Thế nhưng, mọi chuyện sau đó lại rơi vào im lặng để đến hôm nay một lần nữa Thanh tra Chính phủ lại thanh tra và phát hiện những sai phạm như thế.
Đặc biệt, những ngày qua lại một lần nữa dư luận bị “sốc” vì đề tài nghiên cứu tiến sĩ mà theo nhiều chuyên gia là rất “không xứng tầm” thậm chí còn thua cả đề tài nghiên cứu của sinh viên đại học.
Ảnh minh họa: Mattran.org.vn |
Đạo đức nghề nghiệp, đạo đức khoa học xuống cấp nghiêm trọng
Có không ít ý kiến cho rằng, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo hạ chuẩn đào tạo tiến sĩ liên quan đến các bài bài công bố trên các tạp chí quốc tế là nguyên nhân làm cho chất lượng đào tạo tiến sĩ bị giảm sút. Ý kiến này không phải không có cơ sở, dẫu vậy, theo tôi đây không phải là nguyên nhân cốt tử nhất.
Tại sao những đề tài, những “công trình khoa học” rất “không xứng tầm” như đề tài “tiến sĩ cầu lông” và hàng loạt đề tài na ná nhau như thế (có người mỉa mai gọi là sự nhân bản đề tài tiến sĩ) nhưng người hướng dẫn vẫn đồng ý cho triển khai? Và cả hội đồng thẩm định cũng toàn giáo sư, tiến sĩ cũng đồng ý thông qua?
Hay tại sao, một giáo sư cùng lúc hướng dẫn rất nhiều học viên, thậm chí hướng dẫn, phản biện cả những đề tài không phải chuyên môn của mình… bất chấp quy định hiện hành?
Trong học thuật, những trí thức, những nhà khoa học chân chính, có lòng tự trọng không ai cho phép mình vượt qua những giới hạn về những hiểu của bản thân để nhận lời hướng dẫn hay phản biện những công trình khoa học mà mình không có chuyên môn.
Ngoài ra, khách quan mà nói, quy trình hướng dẫn và thẩm định luận án tiến sĩ hiện nay ở Việt Nam, theo tôi là rất chặt chẽ nếu không muốn nói là “khắc nghiệt” vì phải qua rất nhiều vòng thẩm định và phản biện kín. Thế nhưng, tại sao với một quy trình như thế nhưng vẫn để lọt lưới những luận án không xứng tầm?
Trả lời những câu hỏi trên sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn vấn đề chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay không hẳn do các tiêu chuẩn có “phù hợp với thông lệ quốc tế” mà quan trọng và trước hết nó phụ thuộc về vấn đề “đạo đức khoa học”, “đạo đức nghề nghiệp” của chính “những người trong cuộc”.
Chúng ta không phủ nhận việc muốn hội nhập với bạn bè thế giới, nhất định phải hòa vào “luật chơi” chung. Nhưng thiển nghĩ tất cả cần phải có lộ trình chứ không nên nóng vội.
Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có trường đại học nào lọt vào tốp 200 thế giới nhưng lại đề ra chuẩn nghiên cứu khoa học ngang tầm với họ là điều không thực tế.
Những luận án tiến sĩ "không biết để làm gì": Chuyện không hiếm! |
Ở phương diện nào đó, việc cố chạy theo “tiêu chuẩn quốc tế” cũng là một nguyên nhân làm cho chất lượng đào tạo tiến sĩ đi xuống.
Vì khi không đủ năng lực và phẩm chất để đạt được mục tiêu “quá tầm với” nên không ít người đã gian dối trong cách làm.
Đó cũng là lý do vì sao gần đây vấn nạn mua bán bài báo khoa học nở rộ trong nước, còn trên thế giới các tạp chí khoa học dỏm liên tiếp ra đời để đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của Việt Nam.
Đó là chưa kể để “lách luật” và hợp thức hóa các tiêu chuẩn, không ít cơ sở giáo dục còn tự đứng ra tổ chức các “hội thảo quốc tế” mà đôi khi chỉ có một vài “nhà khoa học” của vài nước bạn láng giềng tham dự…
Giải pháp nào?
Để khắc phục tình trạng “lò ấp” tiến sĩ hiện nay, chúng tôi cho rằng thời gian tới, ngành giáo dục cần phối hợp đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần có một cuộc “tổng kiểm kê”, rà soát toàn diện; kiên quyết xử lý các trường hợp gian dối về văn bằng, các vi phạm về quy chế đào tạo; hay vấn nạn đạo văn, đạo luận án… trước hết là ở các cơ sở đào tạo mà dư luận phản ánh.
Thứ hai, nghiên cứu sửa đổi quy chế về đào tạo tiến sĩ sao cho “vừa tầm” với mặt bằng chung về giáo dục và khoa học, công nghệ ở Việt Nam. Như đã nói, nền tảng khoa học và giáo dục của Việt Nam hiện rất khiêm tốn nên việc đề ra những tiêu chuẩn như ở các quốc gia tiên tiến là “lợi bất cập hại” trong bối cảnh hiện nay.
Chúng ta không tự ti nhưng một khi ý thức được vị thế của mình ở đâu thì sẽ hạn chế những sai sót và tiêu cực không mong muốn.
Nội lực chúng ta yếu mà muốn nhanh chóng sánh ngang với tầm vóc của những người đi trước mình hàng 100 năm nếu không là sự ảo tưởng cũng là vô tình tạo điều kiện cho sự giả dối lên ngôi. Thực tế, đào tạo tiến sĩ của chúng ta thời gian qua đã cho thấy điều đó.
Nên chăng, việc yêu cầu về các bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín trước mắt chỉ nên áp dụng với đối tượng là những người muốn được công nhận học hàm giáo sư, phó giáo sư…
Đương nhiên, chúng ta rất hoan nghênh với những người là thạc sĩ, tiến sĩ nhưng vẫn có bài đăng trên các tạp chí uy tín. Và điều này nên được khuyến khích, động viên bằng những chính sách cụ thể.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất là cần củng cố và xây dựng lại hệ giá trị liên quan đến các vấn đề về liêm chính học thuật, đạo đức khoa học, đạo đức nghiệp nghiệp cho đội ngũ giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học bằng các quy định cụ thể.
Đặc biệt, là việc liên đới chịu trách nhiệm đối với những người làm công tác hướng dẫn và phản biện khoa học.
Có thể thấy, thời gian qua, không ít người sau khi nhận ra những bất cập trong quy trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; điều kiện để phong học hàm phó giáo sư, giáo sư nên đã kiến nghị giáo dục phải siết chặt và nâng cao tiêu chuẩn cho phù hợp với “thông lệ quốc tế”…
Thế nhưng, đáng buồn thay, trong nhiều trường hợp chính họ chứ không phải ai khác, trong tư cách người hướng dẫn hoặc phản biện các luận văn, luận án, đề án,… đã “cố tình dễ dãi” thông qua các luận án, công trình kém chất lượng; gây ra cảnh “vàng thau lẫn lộn”.
Không ít “cây đa cây đề” ngoài miệng thì lên án, mỉa mai học hàm, học vị của người khác nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy cũng chính họ đã bỏ phiếu thông qua và cấp bằng cho chính những cá nhân kia.
Đã đến lúc cần nhanh chóng luật hóa tất các vấn đề trên nếu không muốn tình trạng ngày một trầm trọng hơn.
Tài liệu tham khảo:
[1]. “Một Giáo sư hướng dẫn 12 nghiên cứu sinh cùng lúc”. Xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/ket-luan-thanh-tra-viec-dao-tao-thac-si-tien-si-tai-hoc-vien-khoa-hoc-xa-hoi-395371.html
Nguyễn Trọng Bình
Nguồn: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam
© 2024 | Thời báo ĐỨC