Cách nuôi dạy con khác thường của người phương Tây

Từ việc cho con ngủ riêng cho tới việc đặt con ngồi trong xe đẩy thay vì bế ẵm, các bậc cha mẹ phương Tây còn có những ý tưởng khác thường về cách nuôi dạy trẻ nhỏ.

1 Cach Nuoi Day Con Khac Thuong Cua Nguoi Phuong Tay

2 Cach Nuoi Day Con Khac Thuong Cua Nguoi Phuong Tay

NGUỒN HÌNH ẢNH,ABY SLEEP INFORMATION SOURCE WEBSITE/ KATHRYN O'DO

Ở phương Tây, người ta tin rằng trẻ em tự ngủ một mình sẽ độc lập hơn

"Nó đã về phòng riêng chưa thế?" là một câu hỏi cửa miệng của những người mới sinh con khi họ có vài tiếng đồng hồ tạm xa những bận rộn của việc chăm trẻ sơ sinh.

Nhưng việc không để con cái ngủ chung với bố mẹ là một nếp sinh hoạt tương đối mới - và điều này chưa trở nên rộng rãi trên toàn cầu. Ở các nền văn hóa khác, việc để con nhỏ ngủ chung phòng và đôi khi chung giường với bố mẹ là chuyện hết sức bình thường.

Đây không phải là khía cạnh duy nhất mà những người mới sinh con ở phương Tây làm theo cách khác khi đem so sánh với những nền văn hoá khác.

Từ việc ngủ trưa theo lịch và tập cho con ngủ nề nếp cho đến việc đưa con đi dạo bằng xe đẩy, những gì mà ta ngỡ là cách chăm sóc con chuẩn mực thì hoá ra lại là không phải thế.

Các bậc phụ huynh ở Mỹ và Anh được khuyên là nên cho con ngủ cùng phòng với bố mẹ ít nhất là trong sáu tháng đầu đời của trẻ, nhưng nhiều người coi chỉ đây là chặng dừng chân ngắn ngủi trước khi bé đi nhà trẻ.

Ở hầu hết các xã hội khác trên thế giới, trẻ sơ sinh gắn bó với cha mẹ lâu hơn.

Một đánh giá năm 2016 xem xét nghiên cứu về việc trẻ em không chỉ ở chung phòng mà còn ngủ chung giường với mẹ hoặc với cả bố và mẹ cho thấy tỷ lệ này rất cao ở nhiều nước châu Á: hơn 70% ở Ấn Độ và Indonesia, hơn 80% ở Sri Lanka và Việt Nam.

Nghiên cứu về tỷ lệ ngủ chung ở các quốc gia châu Phi tuy không đầy đủ nhưng ở những vùng được xem xét thì việc trẻ em ngủ chung với bố mẹ là chuyện khá phổ biến.

Debmita Dutta, bác sĩ và nhà tư vấn nuôi dạy trẻ ở Bangalore, Ấn Độ, nói rằng bất chấp ảnh hưởng từ phương Tây, ngủ chung giường vẫn là thói quen phổ biến ở Ấn Độ - ngay cả trong những hộ gia đình có điều kiện có phòng riêng cho trẻ.

"Gia đình bốn người với ba phòng ngủ, mỗi phòng ngủ cho một đứa trẻ và một phòng cho cha mẹ, và rồi rốt cuộc bạn sẽ thấy cả hai đứa trẻ đều ngủ cùng giường với cha mẹ," cô nói. "Đó là điều hoàn toàn bình thường."

Dutta nói rằng việc ngủ chung giường là một cách để giảm bớt sự hốt hoảng của trẻ khi thức giấc vào ban đêm. Con gái của cô có một chiếc giường gấp bên cạnh giường của cha mẹ và cô bé có thể ngủ ở đó cho đến khi lên bảy tuổi. "Ngay cả sau khi cai sữa, con bé vẫn thích ngủ cùng phòng với chúng tôi," cô nói.

3 Cach Nuoi Day Con Khac Thuong Cua Nguoi Phuong Tay

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Thay vào đó, nhiều bậc cha mẹ ở các xã hội phương Tây chuyển sang các phương pháp huấn luyện giấc ngủ, mà kiểu huấn luyện khắc nghiệt nhất là việc để em bé "khóc chán rồi sẽ tự nín", trong nỗ lực khuyến khích em bé ngủ lâu hơn để cha mẹ được tạm thời nghỉ ngơi.

Ở Úc, thậm chí nhà nước còn tài trợ mở trường trong khu dân cư để dạy trẻ ngủ một mình mà phụ huynh có thể đăng ký huấn luyện giấc ngủ cho con mình.

Khuyến khích thói quen độc lập sớm phù hợp với trọng tâm văn hóa điển hình của phương Tây là tính tự chủ của cá nhân. Vì lý do đó, việc cho con ngủ chung giường được coi như một biểu hiện nuông chiều và khuyến khích trẻ em tiếp tục phụ thuộc vào cha mẹ.

Nhưng những bậc cha mẹ có tư tưởng tập thể hơn, như Dutta, thường không nhìn nhận như vậy. "Bạn trao cho trẻ em sự tự tin và độc lập, đến thời điểm thích hợp chúng sẽ tự tách khỏi bạn," cô nói. "Chúng sẽ chả dựa dẫm mãi vào bạn đâu."

Các yếu tố văn hóa không chỉ ảnh hưởng tới nơi chốn trẻ ngủ mà còn ảnh hưởng đến cả thời gian và thời lượng ngủ của trẻ.

Nghiên cứu của Jun Kohyama, Giám đốc Điều hành tại Trung tâm Y tế Vịnh Urayasu Ichikawa Tokyo và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng trẻ sơ sinh ở Nhật có xu hướng ngủ trưa ít hơn so với các nước châu Á khác khi chúng được ba tháng tuổi, ông nói, nguyên do có thể bởi vì "ở Nhật Bản, ngủ ngày bị coi là thói lười biếng".

Kohyama cũng phát hiện ra rằng trẻ em ở các nước châu Á có xu hướng đi ngủ muộn hơn so với trẻ em ở các nước chủ yếu là người da trắng. Ông cho rằng nguyên nhân là do cha mẹ muốn dành thời gian hỏi han bảo ban con cái vào buổi tối.

Ngủ chung giường - một chuẩn mực văn hóa ở Nhật Bản - cũng có thể là một yếu tố. "Cha mẹ cảm thấy con cái là một phần cơ thể của chính họ," ông cho biết.

Tuy nhiên, cũng giống như ở Anh, Viện Nhi Hoa Kỳ thì khuyên cha mẹ nên ngủ chung phòng với con để giảm nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), nhưng lại cảnh báo không nên ngủ chung giường vì việc ngủ chung giường lại là yếu tố có liên quan đến việc tăng nguy cơ SIDS.

Nhưng Rashmi Das, giáo sư nhi khoa tại Viện Khoa học Y tế toàn Ấn Độ ở Bhubaneswar, tác giả bài đánh giá về an toàn khi ngủ chung, cho rằng việc thiếu nghiên cứu chất lượng cao về chủ đề này khiến rất khó để khẳng định việc ngủ chung làm tăng nguy cơ SIDS khi không tính đến ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc và uống rượu. "Chúng ta không thể biết liệu ngủ chung có thực sự làm tăng nguy cơ SIDS hay không," Das nói.

Các nghiên cứu về chủ đề này hầu hết đến từ các quốc gia có thu nhập bình quân ở mức cao, nơi việc con cái ngủ chung giường với bố mẹ ít phổ biến hơn. Thế nhưng các quốc gia có thu nhập thấp, nơi để con ngủ chung giường là thói quen phổ biến, thì đồng thời cũng là những nơi có tỷ lệ SIDS thấp nhất trên thế giới.

4 Cach Nuoi Day Con Khac Thuong Cua Nguoi Phuong Tay

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Địu em bé trên lưng cho phép cha mẹ giữ con cái của họ gần gũi bên mình suốt cả ngày làm việc

Đó dường như không chỉ là vấn đề đơn giản về địa lý: khi một người sống ở phương Tây và đem tập quán văn hóa của họ từ nơi khác, họ cũng tiềm ẩn nguy cơ SIDS thấp hơn. Ví dụ, các gia đình gốc Pakistan sống ở Anh có nguy cơ SIDS thấp hơn so với các gia đình người Anh da trắng - mặc dù các bà mẹ Pakisstan thường ngủ chung giường với con của họ.

Helen Ball, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Durham, đồng thời là giám đốc Phòng Nghiên cứu Thực nghiệm Giấc ngủ dành cho Cha mẹ-Trẻ sơ sinh của trường này, nói: "Đó là những thói quen văn hóa có liên quan đến tỷ lệ SIDS thấp."

Các bà mẹ gốc Pakistan ở vùng Bradford, Anh có tỷ lệ cho con bú cao hơn. Họ ít hút thuốc, uống rượu hơn và cho con cái ngủ trong phòng riêng của chúng - tất cả các yếu tố này được biết là đều làm giảm nguy cơ SIDS.

Das nói rằng ông mong muốn thấy việc chung giường được khuyến khích nhưng "thận trọng lưu ý rằng những người lớn ngủ chung giường với trẻ em thì không nên hút thuốc, không nên uống rượu, không nên là người béo phì".

Tổ chức thiện nguyện phòng chống SIDS của Vương quốc Anh mang tên The Lullaby Trust có lời khuyên như trên dành cho các bậc cha mẹ muốn dành chiếc giường của mình thành nơi ngủ an toàn cho con cái của họ.

Cũng giống như việc chung giường giúp cha mẹ con cái thân thiết nhau hơn vào buổi tối, việc địu em bé trên lưng giúp trông giữ chúng gần gũi với bố mẹ vào ban ngày trong khi họ chạy đôn chạy đáo chỗ này chỗ kia hoặc làm việc nhà.

Không phải là một xu hướng mới, địu con là điều mà con người đã làm từ rất lâu rồi. Chỉ khi chiếc xe đẩy trở nên phổ biến trong thời Victoria thì những cái địu truyền thống mới trở nên ít phổ biến hơn trong một số bộ phận của xã hội phương Tây.

Ở những nơi khác trên thế giới, dường như có rất nhiều cách khác nhau để ôm ấp trẻ vì có những nền văn hóa mà trẻ được thường được bế ẵm trong vòng tay người lớn.

Ngay cả những bậc cha mẹ không sử dụng địu cũng biết rõ về tác dụng xoa dịu vỗ về trẻ tức thì khi bồng bế con đung đưa đi qua đi lại.

"Họ cảm nhận bằng trực giác rằng loại chuyển động nhịp nhàng này, cường độ trong trong khoảng từ 1-2 hertz, có công năng êm đềm giúp trẻ bớt hoảng sợ hơn," Kumi Kuroda từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về Não Riken ở Nhật Bản nói.

Kuroda bắt đầu xem xét các tác động sinh lý của việc bế trẻ khi bà thấy rằng nghiên cứu trước đây - sử dụng nhật ký của cha mẹ thay vì các phép đo sinh lý thời gian thực - đã không tìm thấy bất kỳ mối tương quan nào giữa thời gian trẻ được bế và số lần chúng khóc.

"Tôi không đồng ý với điều đó," bà nói. Nghiên cứu của bà cho thấy việc bế con làm nhịp tim của trẻ đập chậm hơn và đi lại đung đưa em bé khiến chúng đỡ khóc to hơn.

Bà cho biết nghiên cứu tiếp theo đã phát hiện ra rằng chuyển động mà không cần bế, chẳng hạn như đặt em bé trên xe đẩy hoặc ghế ô tô, cũng như bế mà không đi lại đung đưa, cũng giúp em bé dần bình tĩnh hơn, nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu kết hợp cả việc bế ẵm lẫn đung đưa cùng lúc.

Về mặt sinh học, tiếp xúc gần gũi với bố mẹ cả ngày lẫn đêm là những gì trẻ em mong đợi. Trong những tháng đầu đời, bé cần được cho ăn thường xuyên suốt ngày đêm. Ngay cả khi nhịp sinh học của trẻ phát triển và dần chuyển sang giấc ngủ dài vào buổi tối, thì việc tỉnh giấc ban đêm trong ít nhất năm đầu tiên của trẻ là hoàn toàn bình thường.

"Cơ cấu sinh lý của trẻ sơ sinh gần như không thay đổi qua hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn năm," Ball nói. "Thế nhưng văn hoá của con người thì lại thay đổi xoành xoạch chỉ qua vài thập kỷ."

Song quan điểm cho rằng việc trẻ thức đêm là chuyện bình thường lại không phải là thông điệp mà những người mới sinh con ở phương Tây nhận được từ gia đình, bạn bè và từ nền văn hóa nói chung. "Chúng ta cứ mặc nhiên một mực về huyền thoại rằng trẻ sơ sinh không nên thức giấc vào ban đêm," Ball nói.

5 Cach Nuoi Day Con Khac Thuong Cua Nguoi Phuong Tay

Huyền thoại cổ tích đó để lại những hậu quả. Giấc ngủ bị xáo trộn ngắt quãng trong thời kỳ đầu làm cha mẹ có liên quan đến chứng trầm cảm sau sinh. Nhưng Ball nói rằng những cố gắng "sửa chữa" giấc ngủ của trẻ lại làm sai bản chất vấn đề - thay vào đó, việc hỗ trợ trực tiếp cha mẹ nhiều khả năng sẽ giúp cải thiện sức khỏe tâm thần cho trẻ.

"Những bậc cha mẹ bị trầm cảm sẽ khiến giấc ngủ của con họ bị gián đoạn nghiêm trọng hơn những bậc cha mẹ không mắc chứng này," bà nói. "Chúng tôi cho rằng chúng ta thực sự cần thay đổi những thứ đang diễn ra trong đầu của các vị mới làm cha làm mẹ, cần hỗ trợ họ suy nghĩ về tất cả những điều này theo một cách khác." Bà đã tổng hợp Nguồn thông tin về giấc ngủ của trẻ để cung cấp cho các bậc cha mẹ thời nay dữ liệu chính xác về giấc ngủ của trẻ.

Ý tưởng cho rằng trẻ lớn hơn giai đoạn sơ sinh "cần" ngủ thẳng giấc vào ban đêm xuất phát từ nghiên cứu trong thời thập niên 1950, theo đó cho thấy trong số 160 trẻ sơ sinh sống ở London, 70% bắt đầu "ngủ một mạch suốt đêm" khi chúng được ba tháng tuổi.

Nhưng các nhà nghiên cứu đã định nghĩa "ngủ một mạch suốt đêm" ở đây là không đánh thức cha mẹ chúng bằng cách quấy khóc trong khoảng thời gian từ nửa đêm đến 5 giờ sáng - khác xa với ngủ liền tù tì một giấc trong khoảng thời gian 8 giờ liên tục mà nhiều bậc cha mẹ thời nay mong đợi - và cũng không có nghĩa là bản thân những đứa trẻ ngủ thực sự trong suốt mấy tiếng đồng hồ đó.

Trong mọi trường hợp, 30% trẻ sơ sinh chưa thể bắt đầu giấc ngủ dài hơn vào độ tuổi đó, và một nửa số trẻ "ngủ một mạch suốt đêm" lại bị thức giấc trở lại nhiều hơn ban đêm vào cuối năm đầu tiên của chúng.

6 Cach Nuoi Day Con Khac Thuong Cua Nguoi Phuong Tay

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Nghiên cứu cho thấy rằng việc địu bế con làm nhịp tim của trẻ đập chậm hơn và đi lại đung đưa em bé khiến chúng đỡ khóc to hơn

Thậm chí ngày nay, nhiều nghiên cứu về giấc ngủ của trẻ sơ sinh chỉ xem xét chọn mẫu một nhóm nhỏ cụ thể trong tập hợp lớn toàn cầu. "Rất nhiều nghiên cứu trong vài thập kỷ qua đã chỉ được thực hiện trên trẻ sơ sinh phương Tây," Ball nói.

Không ai nghi ngờ gì về sự khác biệt giữa các nền văn hóa khi nói đến cách chăm sóc trẻ sơ sinh, nhưng ngay cả trong cùng một nền văn hoá cũng có nhiều quan điểm không tương đồng.

Không phải ai ở phương Tây cũng nghĩ rằng một đứa trẻ ngủ trong phòng riêng là lý tưởng. Ví dụ, trong một nghiên cứu, các bậc cha mẹ người Ý lại coi việc đó là "thiếu tình thương".

Hoàn cảnh cá nhân đóng vai trò quan trọng trong cách mọi người chăm sóc con cái của họ, và mỗi bậc cha mẹ đều tìm ra cách riêng để xoay sở ổn thỏa. "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, vì vậy lựa chọn đa dạng là điều hoàn toàn phù hợp," Kuroda nói.

Về phần mình, Kuroda ngủ chung với 4 đứa con của mình như một cách để thích nghi với việc phải xa chúng vào ban ngày.

"Tôi đã làm việc toàn thời gian cả ngày rồi và nếu tôi lại ngủ riêng cả đêm nữa thì thời gian thực sự dành cho con chẳng còn được bao nhiêu. Chúng tôi có thể hỏi han vỗ về khăng khít nhau nhiều vào buổi tối. Đó là những giao tiếp cực kỳ thân thiết và thời gian bên nhau thực sự."

Nhưng cô cũng nói, với tất cả các cách nuôi dạy con cái khác nhau thì mỗi người nên tìm những gì phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình và đặc điểm của bé, thay vì lo lắng quá nhiều về những điều người khác đang làm.

"Tôi nghĩ rằng cha mẹ và trẻ sơ sinh có thể thích nghi dần với nhau," cô nói. "Nó nhịp nhàng như một điệu tango vậy."

Điểm mấu chốt là ta nên luôn nhớ rằng trẻ em sinh ra không phải để thao túng chúng ta, bất kể bạn có khao khát đến đâu trong việc muốn sang phòng ngó nhanh con một chút vào lúc 3 giờ sáng

"Điều chúng ta thực sự cần đối với trẻ sơ sinh là đừng nghĩ về chúng như những vị sếp khó chiều," Dutta nói. "Chúng là những sinh linh nhỏ bé đến với thế giới này và chưa thể tự làm được gì, còn chúng ta thì cần phải thấu hiểu, yêu thương chúng."

Kelly Oakes

BBC Future

Nguồn: BBC


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày