Quan niệm này đã bị các nhà khoa học chứng minh là sai lầm bởi thực chất việc bế ẵm mang lại lợi ích rất tốt cho hệ gien của trẻ.
Chúng ta đều biết, việc ôm ấp không chỉ thể hiện tình yêu thương mà còn rất tốt với trẻ sơ sinh, đó là lí do vì sao nhiều cha mẹ cho con da tiếp da ngay từ lúc vừa sinh. Nhưng gần đây, một nghiên cứu đến từ Đại học British Columbia đã đưa ra thông tin gây sốc: Những hành động âu yếm, vỗ về có thể thay đổi DNA của trẻ khi trưởng thành.
Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Development and Psychopathology, những năm tháng ôm ấp con mang tới tác động tới cả từng phân tử. Về cơ bản, ôm ấp con mang tới những biến đổi về gien, cải thiện chúng tốt hơn.
Nghiên cứu có sự tham gia của đại học British Columbia và Viện Nghiên cứu Bệnh viện Nhi Đồng BC (Canada). Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 95 em bé 5 tuần tuổi khỏe mạnh, yêu cầu bố mẹ ghi lại nhật ký khi trẻ ăn, ngủ, khóc cũng như số lần tiếp xúc cơ thể trong quá trình chăm sóc. Bốn năm rưỡi sau, chúng được mang tới để kiểm tra DNA.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng trẻ được tiếp xúc nhiều và tiếp xúc ít có sự khác biệt ở năm điểm DNA cụ thể. Hai trong năm điểm này có liên quan đến sức khoẻ gen: một điểm DNA đóng vai trò trong hệ thống miễn dịch và một điểm DNA còn lại thì có liên quan đến sự trao đổi chất. Ở những trẻ hay quấy khóc hơn và ít được vỗ về hơn thì có tuổi biểu sinh thấp hơn so với tuổi thật của chúng. Ở những đứa trẻ có ít tiếp xúc thể chất đó, người ta còn tìm thấy cấu hình phân tử trong tế bào của chúng không đủ tuổi. Điều này có nghĩa là chúng có thể bị tụt hậu về mặt sinh học so với những đứa trẻ có tuổi thơ đầy âu yếm, yêu thương.
Michael Kobor - giáo sư thuộc viện nghiên cứu di truyền học của đại học British Columbia – người đứng đầu chủ đề "Khởi đầu Khỏe mạnh" tại Viện Nghiên cứu Bệnh viện Nhi đồng BC cho biết: "Đối với trẻ em thì chúng tôi nghĩ rằng nếu sự lão hoá của chúng biểu hiện chậm hơn có thể phản ánh quá trình phát triển không thuận lợi."
Bà Sarah Moore (một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu) cho biết, "Chúng tôi dự định tiếp tục theo dõi xem liệu "sự non nớt sinh học" mà chúng ta nhìn thấy ở những đứa trẻ này có ảnh hưởng lớn đối với sức khoẻ của chúng, đặc biệt là sự phát triển tâm lý hay không". Nhà nghiên cứu này còn nói thêm "Nếu có nghiên cứu sâu xa hơn nữa khẳng định kết quả ban đầu này thì nó sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp xúc với trẻ, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh hay quấy khóc".
Trước đó, đã từng có những nghiên cứu riêng trên trẻ sinh non cho thấy, việc bế ẵm và những tiếp xúc gần gũi có tác động tích cực tới sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của trẻ, không chỉ trong những năm tháng đầu đời mà còn cả đến khi trưởng thành.
Bởi vậy, sẽ thật phiến diện khi ngăn cản bố mẹ bế ẵm trẻ chỉ vì sợ chúng "bện hơi". Ngược lại, hãy âu yếm, vỗ về trẻ để con có một nền tảng yêu thương vững vàng cho sự phát triển toàn diện về sau!
Nguồn: Trí Thức Trẻ
© 2024 | Thời báo ĐỨC