Nhưng tại sao, với bố, với mẹ, những người thân nhất, thì lại khó khăn đến vậy?
Đã khi nào bạn từng hỏi bố: "Bố có vất vả không"?
Đã khi nào bạn từng hỏi mẹ: "Sở thích của mẹ là gì"?
Mới đây, rất nhiều cư dân mạng đã chia sẻ một đoạn clip ngắn có tên "Có lỗi là con người, biết sửa lỗi là thánh nhân". Đây là trích đoạn một buổi nói chuyện theo chuyên đề của thầy giáo Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam với các học sinh trường THCS Nhật Tân, Hà Nội. Đoạn clip hiện thu được hơn 1 triệu lượt xem và hơn 18 nghìn lượt thích.
Cùng với giọng nói ấm áp và truyền cảm, những lời chia sẻ và bài học của thầy Nhân đã khiến rất nhiều bạn học sinh và thầy cô có mặt tại buổi diễn thuyết hôm ấy đều phải rơi nước mắt. Không chỉ riêng các bạn học sinh cấp 2 nói chung mà bất cứ ai sau khi nghe bài chia sẻ này cũng chắc chắn đều phải suy nghĩ lại về những hành động của bản thân trong quá khứ.
Bài chia sẻ mang thông điệp rằng con người ai cũng có lỗi. Và không ít lần, khi chúng ta còn nhỏ, khi chúng ta chỉ là những đứa trẻ cậy "lớn xác", chúng ta đã vô tình làm tổn thương bố mẹ. Bố mẹ là những người yêu thương chúng ta hết mực, cố gắng cho con được một cuộc sống đủ đầy như bè bạn trang lứa, dù làm gì, dù ở đâu, nhưng bố mẹ vẫn nghĩ tới con cái.
Nhưng còn những đứa con "lớn xác" không chịu nghĩ về gia đình thì sao? Vẫn còn vụng dại, vẫn còn ngây thơ, vẫn còn cố chấp. Thầy Nhân có nhắc tới một câu mà có lẽ chính khoảnh khắc ấy nhiều người nhận ra rằng mình chưa phải là một người con ngoan: "Một ngày có 280 người mãi mãi không bao giờ trở lại vì tai nạn giao thông. Đừng bao giờ để đến khi bố của bạn mất rồi mới quỳ bên quan tài, khóc bù lu bù loa, nói lời xin lỗi vì ông ấy chẳng thể nghe thấy đâu."
Lời xin lỗi rất dễ nói, ngay cả lời cảm ơn cũng rất dễ nói. Nhưng vì chúng ta, đôi khi, bướng bỉnh, ích kỉ, nổi loạn, thậm chí, luôn coi bản thân là cái rốn của vũ trụ, nên quên luôn những lời nói chân thành ấy.
Với người lạ, chúng ta còn có thể nói dễ dàng đến như vậy, thế mà tại sao, với bố, với mẹ, những người thân nhất, thì lại khó khăn đến vậy? Đã khi nào bạn từng hỏi bố: "Bố có vất vả không"? Đã khi nào bạn từng hỏi mẹ: "Sở thích của mẹ là gì"?
Khóc không có nghĩa là yếu đuối. Con gái, hay con trai, đâu cứ là khóc tức là người yếu ớt. Khóc chỉ là vì muốn giải thoát một điều gì đó. Đôi khi, giọt nước mắt rơi vì gia đình chính là giọt nước mắt hạnh phúc. Mà niềm hạnh phúc ấy xứng đáng được trân trọng.
Chắc hẳn không ít người trong chúng ta đã từng có những lúc rất giận bố mẹ, thậm chí còn có ý định bỏ nhà đi để được sống thoải mái, tự do hơn, rồi nghe lời xúi giục của bạn bè chống đối bố mẹ, nghĩ rằng bố mẹ là những người xấu xí, không yêu thương con cái. Nhưng khi ấy, chúng ta thật dại dội vì đã vô tình khiến bố mẹ đau lòng.
Mỗi chúng ta có mặt trên đời đều có một giá trị, khi sinh ra hai bàn tay sẽ nắm lại, khi chết đi hai bàn tay từ từ mở ra. Nhưng cuộc sống thường sẽ lấy đi những gì mà chúng ta cho là giá trị nhất. Giá trị của mỗi con người chính là cái tên mà bố mẹ chúng ta gửi gắm đặt cho con cái, chính là cái tình mà chúng ta nâng niu trong cuộc đời này.
Một lần nữa qua những điều thầy giáo chia sẻ, các bạn trẻ có cơ hội lắng nghe tiếng nói từ sâu thẳm bên trong mình, hiểu rõ bản thân, thấy được tình cảm thiêng liêng mà bố mẹ dành cho mình. Đồng thời, thầy giáo muốn giúp các bạn phá vỡ khoảng cách mà mình đã tạo với cha, mẹ. Những ai còn đang trách giận bố mẹ thì hãy nên nói lời xin lỗi ngay, bởi lẽ, thời gian sẽ chẳng chờ đợi ai cả!
Nguồn: Cafebiz.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC