Độc giả Trịnh Hằng (40 tuổi, Hà Nội) vừa xin visa Schengen vào Pháp thành công. Chị chia sẻ với độc giả về quá trình làm hồ sơ với ba bước cụ thể sau đây.
Bước 1: Tìm hiểu, thu thập thông tin
Việc đầu tiên là nộp tờ khai online. Đây là bước bắt buộc vì hoàn thành bước này bạn mới được cấp mã vạch, có mã vạch mới có thể nộp hồ sơ bản giấy.
Truy cập vào trang visa online của Chính phủ Pháp france-visas.gouv.fr, chọn một trong sáu ngôn ngữ và nộp tờ khai. Nội dung tờ khai là những thông tin cơ bản về cá nhân và chuyến đi. Khai xong, bạn sẽ lưu file pdf để in đen trắng và mang đi nộp hồ sơ, trong file có mã vạch.
Tờ khai của chúng tôi do một bạn trẻ 16 tuổi tự làm hoàn toàn và không có sai sót gì vì nội dung tờ khai khá đơn giản. Sau khi nộp thành công tờ khai, bạn sẽ nhận được email xác nhận tự động từ hệ thống. Trong email cũng có link để bạn download bản pdf.
Cần phải lập tờ khai trước khi chuẩn bị các giấy khác vì những trang cuối của tờ khai chính là danh sách các giấy tờ cần nộp. Căn cứ vào danh sách đó, hãy tự thu thập thông tin cá nhân và người đồng hành, đồng thời cũng chuẩn bị mọi tư liệu cần thiết cho chuyến đi như muốn đến những nước nào, địa điểm cụ thể nào, phương tiện gì, ăn nghỉ ra sao, giá vé tham quan... Theo thông báo từ Công ty TLS (đầu mối chính thức nhận và trả kết quả hồ sơ Schengen vào Pháp), bạn có 20 ngày để chuẩn bị hồ sơ, kể từ khi nộp tờ khai online cho đến ngày đặt lịch hẹn.
Thủ tục nộp hồ sơ xin visa Schengen vào Pháp khá đơn giản. Ảnh: NVCC
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ
Đây là bước quan trọng nhất vì hồ sơ tốt thì khả năng đậu visa cao. Một hồ sơ cơ bản của người lớn (18 tuổi trở lên) đi du lịch tự túc tới Pháp gồm:
- Tờ khai visa: sau khi nộp online ở bước 1, chỉ cần in file pdf có mã vạch, tự dán ảnh thẻ vào trang đầu và ký tên, không cần dấu. Bạn cần in đầy đủ tất cả các trang.
- Hộ chiếu bản gốc, được cấp chưa quá 10 năm, bao gồm ít nhất 2 trang trắng, còn hạn ít nhất 3 tháng sau ngày dự kiến rời khỏi Schengen. Bạn nộp bản gốc hộ chiếu kèm một bản photo không cần công chứng. Hộ chiếu của bạn càng nhiều chuyến đi, càng nhiều visa từng được cấp, cơ hội đậu visa càng cao, nhưng không có nghĩa hộ chiếu trắng sẽ không đậu visa.
- Ảnh thẻ: hai ảnh cỡ 3,5 cm x 4,5 cm, nền trắng, chụp từ phía trước, không có vật cản diện tích khuôn mặt chiếm tối thiểu 70% diện tích ảnh, tóc không được che trán, lông mày, tai, không được đeo hoa tai, kính, tốt nhất là chụp từ vai trở lên và không được lẹm phần tóc hoặc khuôn mặt. Ảnh cần chụp trong vòng 6 tháng.
- Lịch trình: bạn có thể tự xây dựng lịch trình, trong đó Pháp phải là điểm đến chính. Theo kinh nghiệm của tôi, lịch trình càng chi tiết càng tốt. Tôi mất 3 tiếng để xây dựng lịch trình, bao gồm tất cả các thông tin cần thiết: bay sang Pháp và trở về bằng chuyến nào, mấy giờ, ngày nào, ở đâu tại Pháp, điện thoại của khách sạn, đi du lịch chỗ nào, website, giá vé, giờ mở cửa cụ thể của từng địa điểm, cách di chuyển tới các địa điểm đó (tàu, xe buýt, taxi...). Theo tôi, đây là một trong những tài liệu quan trọng nhất trong hồ sơ, đáng để đầu tư thời gian, sức lực. Xây dựng xong lịch trình, bạn chỉ cần in ra, không cần bất kỳ chữ ký hoặc dấu.
- Vé máy bay khứ hồi: bạn chỉ cần đặt chỗ, chưa cần thanh toán, in vé và kẹp vào hồ sơ. Lưu ý, vé máy bay nhất thiết phải là khứ hồi, để đảm bảo bạn đi rồi sẽ quay về Việt Nam. Vé cần trùng khớp với lịch trình.
- Giấy tờ chứng minh công việc: bản gốc hoặc bản sao công chứng hợp đồng lao động, chứng giấy chứng nhận việc làm, chứng nhận nghỉ phép có chữ ký của người sử dụng lao động, chứng nhận hưu trí, công chứng hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn (người đã kết hôn), chứng minh thư hoặc căn cước công dân.
- Giấy tờ chứng minh tài chính: Sao kê tài khoản ngân hàng, bảng lương 3 tháng gần nhất, giấy chứng nhận nộp thuế (nếu là chủ doanh nghiệp), nguồn thu nhập đều đặn... Mục đích của các giấy tờ này là chứng minh bạn có đủ khả năng tự chi trả cho chuyến đi, không nhất thiết phải chứng minh lương cao hoặc nhiều tài sản. Tôi không được trả lương qua tài khoản ngân hàng, do đó sao kê tài khoản ngân hàng không thể hiện các nguồn thu nhập cố định, nhưng tôi có sổ tiết kiệm, nên hồ sơ vẫn đầy đủ về mặt tài chính. Ngược lại một số người không có sổ tiết kiệm nhưng thu nhập tốt thể hiện trên sao kê vẫn đậu visa.
- Giấy tờ về nơi ở tại Pháp/ Schengen: Xác nhận đặt phòng khách sạn, hợp đồng thuê căn hộ nghỉ dưỡng hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở Pháp. Bạn có thể đặt phòng online và in xác nhận đặt phòng. Bạn không cần thanh toán tiền phòng mà chỉ cần đặt chỗ. Nếu ở nhà cá nhân, cần nộp giấy chứng nhận tiếp đón.
- Giấy xác nhận bảo hiểm y tế bản gốc hoặc bản sao công chứng. Bạn có thể mua bảo hiểm online và yêu cầu công ty bảo hiểm gửi xác nhận. Bảo hiểm du lịch phải có giá trị chi trả tối thiểu 30.000 euro, có hiệu lực trong khu vực Schenegen và suốt chuyến đi.
- Nếu bạn đi cùng trẻ em chưa đủ 18 tuổi: tờ khai visa của trẻ phải được ký bởi người giám hộ hợp pháp (cha hoặc mẹ) nộp kèm bản sao công chứng khai sinh của trẻ. Nếu bạn không phải là người giám hộ thì trong hồ sơ cần nộp kèm giấy ủy quyền của người giám hộ. Giấy ủy quyền này cần lập ở phòng công chứng, bằng tiếng Việt và tiếng Anh, bản gốc.
- Nếu bạn đi theo nhóm và nhiều tài liệu dùng chung (vé máy bay, khách sạn) thì ở mỗi bộ hồ sơ của mỗi người cần kẹp riêng một bản photo tất cả các tài liệu đó.
Bước 3: Nộp hồ sơ
Bạn có thể nộp hồ sơ tối đa 90 ngày, tối thiểu 20 ngày trước ngày dự kiến khởi hành. Vào website của Công ty TLS (fr.tlscontact.com) để tạo tài khoản, sau đó đặt lịch hẹn nộp hồ sơ.
Thời gian nộp hồ sơ: trong giờ hành chính hoặc ngoài giờ hành chính từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần hoặc từ 8h đến 12h thứ bảy. Nếu nộp ngoài giờ hành chính, sẽ cần nộp thêm khoản phí 1,2 triệu đồng của người trên 12 tuổi, 600.000 đồng cho người 6-12 tuổi.
Địa điểm nộp: TLS Hà Nội ở tầng 8, tòa nhà Pacific Place, 83B Lý Thường Kiệt hoặc TLS TP HCM ở L08 - Tầng 12A, tòa nhà Văn phòng, Vincom Đồng Khởi hoặc 72 Lê Thánh Tôn và 45A Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1. Nếu bạn ở các tỉnh thành khác, cần di chuyển đến các địa điểm trên để trực tiếp nộp hồ sơ.
Về chi phí: bạn cần nộp hai loại phí. Thứ nhất là phí visa ngắn hạn Schengen 80 euro (khoảng 2 triệu đồng tùy tỷ giá); hai là phí dịch vụ nộp hồ sơ (khoảng 900.000 đồng), tổng cộng khoảng 2,9 triệu đồng một hồ sơ.
Khi đặt lịch hẹn nộp hồ sơ, bạn sẽ thấy website TLS hiện ra nhiều khung giờ và tự đặt. Thời gian phụ thuộc vào lượng người đặt trước đó. Cần đặt lịch hẹn càng sớm càng tốt để có nhiều thời gian chuẩn bị.
Sau khi đặt lịch hẹn trên web, bạn sẽ nhận được email tự động trong đó ghi rõ giờ và mã số cuộc hẹn. Mỗi khung giờ hẹn chỉ kéo dài 15 phút, do đó bạn rất cần đến đúng giờ vì nếu muộn, bạn sẽ phải quay về đặt lịch hẹn mới và đợi thêm hoặc nếu bạn đến muộn và vẫn muốn nộp vào hôm đó, bạn sẽ phải nộp thêm phí dịch vụ khách hàng cao cấp (1,2 triệu đồng một hồ sơ).
Đến ngày hẹn, hãy mang toàn bộ giấy tờ đã chuẩn bị đến địa chỉ của TLS tại Hà Nội hoặc TP HCM. Nhân viên sẽ xem xét ảnh thẻ và hộ chiếu của bạn xem có hợp lệ hay không. Nếu ảnh thẻ không hợp lệ, nhân viên sẽ trao đổi để bạn quay về chụp ảnh thẻ khác và đặt lại lịch hẹn khác.
Nếu ảnh thẻ và hộ chiếu hợp lệ, bạn sẽ vào khu vực nộp hồ sơ. Tại đây nhân viên sẽ đối chiếu hồ sơ của bạn đã đủ so với danh mục yêu cầu hay chưa, nhưng đây không phải là bước xét duyệt.
Nếu danh mục hồ sơ của bạn chưa đủ, bạn sẽ được yêu cầu nộp bổ sung, thông thường là ngay trong ngày. Sau bước nộp hồ sơ tại văn phòng TLS, bạn sẽ nộp phí visa rồi lấy dữ liệu sinh trắc học. Tất cả những người xin visa Schengen và đủ 12 tuổi trở lên đều cần lấy dữ liệu sinh trắc học, bao gồm vân tay và chụp ảnh thẻ.
Nếu chuẩn bị tốt hồ sơ, bạn chỉ cần đến Công ty TLS một lần nộp hồ sơ, phí, lấy dữ liệu sinh trắc học. Thời gian chỉ khoảng 40-45 phút. Sau đó TLS sẽ gửi kết quả và hộ chiếu của bạn về tận nhà.
Nếu hồ sơ chưa tốt, bạn cần đi lại thêm vài lần. Bạn có thể chọn trực tiếp đến lấy kết quả hoặc nhận qua email, nhận hộ chiếu qua bưu điện. Sau khi nộp hồ sơ 7-15 ngày sẽ có thông báo. Tôi nhận được kết quả visa 10 ngày sau khi nộp hồ sơ.
Trịnh Hằng
© 2024 | Thời báo ĐỨC