6 bước sau đây sẽ hướng dẫn bạn cách để có được những chậu cây khỏe mạnh trong nhà.
(Ảnh: Anatolii Mikhailov/ Shutterstock)
Chọn cây
Hãy đi xung quanh ngắm nghía, kiểm tra tình trạng cây và quyết định xem cây nào phù hợp với ngôi nhà của bạn. Có lẽ năm nay bạn sẽ muốn có thêm một số loại thảo mộc đẹp hoặc những cây lâu năm thân mềm khác để bày biện trong nhà.
Tùy thuộc vào sự khắc nghiệt của mùa đông nơi bạn sống, một số loại thảo mộc như cỏ xạ hương, cây xô thơm và rau kinh giới sẽ ổn khi ở ngoài trời với một chút bảo vệ bổ sung; nhưng bạn cũng có thể đưa chúng vào trong nhà nếu nhà bạn có không gian thoáng đãng nhiều ánh sáng tự nhiên.
Cây hương thảo khá kén chọn và thích nơi có ánh nắng mặt trời, nhưng lại không được quá nóng và nên để chỗ có mái che như hiên nhà hoặc nhà kính. Húng quế và kinh giới rất mềm nhưng có thể làm cây trồng trong nhà rất tốt.
Cây hương thảo vừa có thể làm cảnh, vừa có thể đuổi muỗi và làm gia vị nấu ăn. (Ảnh: Shaiith/ Shutterstock)
Các ứng cử viên có khả năng khác bao gồm cây họ cam quýt, xương rồng, phong lữ, dương xỉ, thu hải đường, me chua, ớt cảnh và nhiều loại khác.
Các loại cây có rễ mềm ở dạng thân rễ hoặc củ – như hoa loa kèn, thược dược và lay ơn – cũng nên để vào nhà mặc dù vẻ đẹp của chúng sẽ tàn phai dần qua mùa đông. Khi đó, bạn nên bảo quản rễ của chúng ở nơi khô ráo, thoáng mát và trồng lại vào mùa xuân.
Trồng cây
Trước khi bắt đầu, hãy đảm bảo rằng bạn có một vị trí thích hợp cho từng loại cây mà bạn định trồng. Hầu hết các cây trồng ngoài trời sẽ muốn có ít nhất 4 đến 6 giờ ánh sáng mặt trời.
Mặc dù những cây trồng trong nhà vẫn có thể sống tốt mà không cần ánh nắng trực tiếp, nhưng chúng sẽ đòi hỏi không gian cửa sổ. Bạn có thể để chúng ở gần bệ cửa sổ hoặc dùng giỏ treo tường. Nếu chỉ đơn giản là không có đủ ánh sáng tự nhiên, bạn có thể bổ sung ánh sáng nhân tạo.
Nếu cây đang được trồng trực tiếp dưới đất thì bạn nên đào lên bỏ vào chậu sớm để tránh cây bị nhiều tổn thương.
Một chiếc bàn được cấu tạo đơn giản đặt cạnh cửa sổ có thể cung cấp cho bạn thêm không gian để trồng cây trong nhà. (Ảnh:New Africa/ Shutterstock)
Chuyển vị trí
Thay vì chờ đợi cho đến ngày trước khi đợt sương giá đầu tiên mới cho cây vào trong nhà, thì bạn hãy cho chúng thời gian để thích nghi với môi trường mới.
Điều quan trọng bạn cần biết là mặc dù trong nhà có nhiệt độ ấm hơn nhưng do ánh sáng giảm nên cây vẫn sẽ ở trạng thái bán hoạt động, vì vậy đừng mong đợi chúng phát triển nhiều. Bạn không nên chuyển cây sang chậu lớn hơn hoặc bón phân vào thời điểm này. Làm như vậy sẽ khuyến khích sự phát triển và cuối cùng gây căng thẳng cho cây vì môi trường mới này không thích hợp.
Khi mới di chuyển chỗ cho cây, bạn không nên chuyển cây sang chậu lớn hơn hoặc bón phân, vì sẽ khuyến khích sự phát triển và cuối cùng gây căng thẳng cho cây. (Ảnh: Bogdan Sonjachnyj/ Shutterstock)
Lý tưởng nhất là nên cho phép cây trồng của mình dần dần thích nghi với cuộc sống mới bằng cách để chúng trong nhà với thời gian tăng dần mỗi ngày (2 giờ, 4 giờ, 6 giờ) cho đến khi đạt đến 12 hoặc 14 giờ là lúc chúng có thể thích nghi tốt.
Tuy nhiên, vì nhiều người trong chúng ta có lịch trình bận rộn và trồng cùng lúc nhiều cây nên có một lựa chọn thuận tiện hơn – đó là di chuyển tất cả các loại cây bạn định cho vào nhà đến một khu vực có bóng mát trong vườn. Điều này sẽ giúp cây thích nghi với điều kiện ánh sáng thấp. Để tránh bị sốc nhiệt, hãy cố gắng đưa chúng vào trong nhà trước khi đêm lạnh.
Bạn cũng nên giảm lượng nước tưới cho cây trong nhà vì nhiều lý do. Với nhiệt độ ổn định hơn và ít ánh sáng ban ngày hơn, cây sẽ không sử dụng quá nhiều nước. Ngoài ra còn giúp chúng dễ dàng thích nghi với các điều kiện mới.
Dọn dẹp
Trước khi mang cây vào – dù chỉ trong 2 giờ – hãy dọn dẹp chậu một chút. Loại bỏ lá và thân cây chết, đặc biệt là những mảnh rác trên đất có thể chứa các loài gây hại nhỏ. Loại bỏ lớp đất trên cùng và thay thế bằng lớp đất mới sạch sẽ cũng có thể giảm thiểu các vấn đề sâu bệnh.
Bạn có thể thấy một vòng bột trắng xung quanh vành chậu. Thông thường đối với cây trồng trong chậu, cặn muối này là cặn của phân bón dư thừa, và nó có thể làm hỏng cây của bạn nếu không được loại bỏ. Bạn nên rửa sạch cây bằng cách tưới cây từ từ với lượng nước gấp đôi thể tích chậu chứa. Làm việc này ở ngoài trời và để ráo hết nước trước khi thay đĩa hứng nước ở dưới.
Phòng trừ sâu bệnh
Tùy thuộc vào khả năng chịu đựng của bạn với sâu bọ, có một số cách để xử lý chúng tốt cho cây trồng của bạn. Một cách tốt là giữ các sinh vật sống trong đất cho những người bạn xanh của mình và chọn cách đối phó với sâu bệnh theo từng trường hợp khi chúng xuất hiện.
Để ngăn ngừa sâu bệnh xâm nhập vào nhà, bạn có thể cho toàn bộ cây “tắm” với xà phòng diệt côn trùng nhẹ. Lấy một cái chậu lớn và đổ nước vào đó – đủ sâu để ngâm chậu cây của bạn. Theo dõi lượng nước bạn sử dụng (để có được tỷ lệ phù hợp) và làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất để có loại dung dịch diệt côn trùng nhẹ.
Sau khi thử một phần nhỏ của cây có phản ứng tiêu cực với dung dịch hay không, hãy ngâm từ từ toàn bộ chậu và cây phía trên vào trong chậu khoảng 20 phút. Điều này sẽ tiêu diệt tất cả các loài gây hại như rệp, ve, rệp sáp, ruồi trắng, kiến, nhện… Nhưng bạn cần đảm bảo rửa sạch cây sau khi tắm để loại bỏ cặn xà phòng. Bạn cũng có thể phun dung dịch trực tiếp lên cây nhưng cũng cần phải rửa lại sạch sẽ.
Ngoài ra, côn trùng gây hại có thể được kiểm soát bằng cách phá vỡ vòng đời của chúng. Bởi vì chúng đẻ trứng trong đất nên bạn chỉ cần rải một lớp cát mỏng xung quanh gốc của mỗi cây, như vậy có thể ngăn côn trùng tiếp cận đất và giảm thiểu sự xâm nhập của chúng trong vòng một tuần hoặc lâu hơn. Ngoài ra, nó cũng phụ thuộc vào mức độ chịu đựng của bạn đối với lũ bọ. Thực ra, một vài con bọ rùa và nhện cũng có thể giúp đỡ bạn trong việc loại trừ “bọ xấu”.
Nếu có kiến trên cây thì bạn có thể ngăn chúng xâm nhập vào nhà bằng mẹo đơn giản sau: Đổ dung dịch hàn the với nước vào đĩa hứng nước bên dưới cây bị nhiễm, nâng chậu cao lên bằng đá hoặc gạch để cây không tiếp xúc với dung dịch. Cách này có thể giúp đuổi kiến đi khi chúng ra khỏi tổ để kiếm ăn.
Để đĩa dung dịch hàn the bên dưới và đặt gạch, đá để nâng cây lên, có thể đuổi kiến khi chúng ra khỏi tổ. (Ảnh: DuckOn/ Shutterstock)
Dưỡng cây
Mặc dù cây của bạn được thoải mái và ấm áp trong nhà, nhưng độ ẩm của chúng dường như hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Khi trời nắng nóng, cây có xu hướng khô nhanh hơn, vì vậy hãy siêng năng kiểm tra đất thường xuyên. Mặc dù mỗi cây cần một lượng nước ít nhiều khác nhau, nhưng theo nguyên tắc chung thì bạn nên cho chúng một ít nước khi đất khô.
Thông thường khi kiểm tra thấy đất của cây bị khô, bạn nên tưới thêm nước để cung cấp độ ẩm. (Ảnh: BeautyStars/ Shutterstock)
Để cải thiện độ ẩm, bạn có thể đặt cây trên một đĩa đá cuội để cung cấp độ ẩm khi nước bay hơi trong khi cây được nâng cao lên khỏi mặt nước.
Vì nguồn ánh sáng chính của chúng sẽ chỉ đến từ một phía nên bạn hãy xoay cây mỗi tuần một phần tư vòng để giữ cho chúng cân đối và đẹp mắt. Cây thích có vẻ ngoài đẹp nhất, vì vậy hãy giữ chúng sạch sẽ và gọn gàng – phủi bụi, tắm vòi hoa sen và loại bỏ lá và hoa chết nếu cần thiết.
Quan trọng nhất, hãy nói chuyện với cây trồng của bạn! Hãy cho chúng biết bạn yêu thích chúng thế nào và khuyến khích chúng mong chờ một mùa hè tươi sáng đang đến gần. Những người bạn đồng hành thầm lặng này thích được yêu thương và sẽ đáp lại bằng những nỗ lực hết mình để làm ngôi nhà bạn trông tươi vui hơn trong những tháng mùa đông ảm đạm.
Ngọc Chi, Vision Times
© 2024 | Thời báo ĐỨC