Ảnh minh họa.
1. Mì Soba
Mì làm từ bột kiều mạch, có nhiều kiểu ăn nóng - lạnh khác nhau. Một số loại soba ăn quanh năm, số khác chỉ ăn theo mùa. Riêng Toshikoshi soba được ăn vào đêm Giao thừa. Sợi mì soba dễ cắt hơn so với các loại mì khác nên việc thưởng thức mì soba mang ý nghĩa "chia tay vận rủi của năm cũ và đón vận may trong năm mới".
Soba tốt cho sức khỏe, giá cả phải chăng nên rất dễ được tìm thấy trên khắp nước Nhật. Ở nhiều trạm tàu, bạn có thể tìm thấy những nhà hàng soba phục vụ ăn đứng trong thời gian chờ. Đừng ngạc nhiên khi nghe tiếng mút mì thật mạnh, tiếng húp nước mì rột rột mà không cần dùng muỗng… vì việc này vừa làm tăng vị ngon vừa giảm độ nóng của sợi mì.
2. Lẩu Shabu Shabu
Đi Nhật thì phải hít hà nồi lẩu Shabu Shabu mới trọn vẹn. Shabu Shabu bắt nguồn từ âm thanh phát ra khi nhúng thịt vào nồi. Thành phần chính gồm thịt, rau thái mỏng, cải thảo, hành tây, cà rốt, nấm shiitake, nấm kim châm, mì udon… ăn kèm với nước sốt.
Lần lượt nhúng những lát thịt tươi rói vào. Nước lẩu vị ngọt thanh, nấu với bắp cải, rong biển, nấm shiitake rất tốt cho sức khỏe.
3. Sashimi
Thành phần chính của sashimi là các loài cá như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá basa… Bên cạnh đó, bạch tuộc, tôm, mực... cũng rất thích hợp để chế biến thành món ăn độc đáo này.
Sashimi cá ngừ sở hữu hương vị thơm ngon đặc trưng. Những lát cá ngừ tươi chấm cùng wasabi và nước tương thơm phức thực sự sẽ đánh thức mọi giác quan. Trong khi đó, sashimi cá cam mang đến những miếng thịt cá trắng ửng chút hồng lạ mắt. Cảm giác đầu tiên khi ăn sashimi là vị cay nồng xộc đến mũi, sau đó là vị mặn của nước tương và ngọt, tươi của cá sống.
4. Ẩm thực vùng Aizu
Súp Kozuyu là món ăn truyền thống của vùng Aizu (khu vực miền núi phía Tây của tỉnh Fukushima), thường được dùng trong dịp lễ, Tết hay các buổi tiệc quan trọng. Những món ăn của Fukushima thường được chế biến theo mùa và sử dụng tối giản các loại gia vị để giữ hương vị tinh khiết nhất của từng nguyên liệu.
Món súp Kozuyu gồm cồi sò điệp, nấm hương khô, bạch quả, mộc nhĩ và các loại rau. Theo phong tục nơi đây, nguyên liệu được chọn nấu phải là số lẻ để mang lại sự tốt lành. Sự hòa quyện giữa nước dùng sử dụng sò điệp khô và các loại rau củ của vùng núi đã khiến cho món súp có một hương vị tuyệt hảo.
5. Cua tuyết
Du khách đến Nhật Bản từ tháng 11 đến tháng 3 không nên bỏ qua món cua tuyết, bởi đây là thời điểm cua nhiều và ngon nhất.
Cua tuyết có chân dài và mảnh, hương vị thơm ngon, thịt dai chắc, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Người Nhật thưởng thức cua tuyết với rất nhiều cách chế biến khác nhau: luộc, hấp, nướng hoặc ăn lẩu.
6. Cá Ayu nướng
Món cá Ayu phổ biến nhất Nhật Bản là cá được xiên tre và nướng muối trên lửa than. Ngoài các quầy bán trên đường phố, khu du lịch, món cá này cũng xuất hiện trong thực đơn của nhiều nhà hàng Nhật Bản vào mùa hè.
Người Nhật thường thưởng thức cá Ayu nguyên con. Hương vị tươi ngon của cá, mùi thơm cháy xém của da cá khi nướng kèm theo vị mằn mặn của muối hấp dẫn người ăn từ thị giác đến vị giác.
7. Kem trứng cá tuyết Mentaiko
Mentaiko là món trứng cá tuyết cay, được sử dụng đa dạng trong ẩm thực Nhật Bản. Những món ăn làm từ mentaiko gồm có cơm nắm onigiri, mentaiko thái lát, sushi, bánh mì kẹp, bánh bao và cả kem lạnh.
Tại công viên Oarai Mentai (tỉnh Ibaraki), du khách có thể quan sát quy trình sản xuất và nếm thử đồ ăn được làm từ mentaiko, bao gồm các món ăn nhẹ và kem. Kem trứng cá tuyết độc đáo với những hạt trứng muối, không có vị tanh mà còn thơm, mềm.
8. Bánh nướng
Món bánh nướng làm từ hỗn hợp trứng và bột, được đúc thành hình "chú mèo máy đến từ tương lai" nổi tiếng của Nhật Bản. Bánh có vị thơm, ngọt nhẹ, được bày bán chủ yếu ở các lễ hội đường phố.
© 2024 | Thời báo ĐỨC