Nhưng ngời ta vẫn nói rằng luôn có ánh sáng sau những đám mây, chính những biến cố ấy lại là cơ hội để ta cảm nhận được “sự ấm áp” của tình đồng bào nơi xa xứ. Dưới đây là tâm sự của một người Việt sống tại Đức về những tấm lòng thiêng liêng ấy.
Mùa xuân vươn chồi non, lộc biếc trên cành cây khô cằn vừa qua mùa đông nứt nẻ. Nước Đức, quê hương thứ hai của tôi, cũng đang cuộn mình bừng lên những sắc màu, rực rỡ.
Nhưng, xuân năm nay thật cô đơn trên con đường vắng bóng người qua lại, những sân chơi rào kín không tiếng trẻ em. Khu phố đi bộ sầm uất, giờ chỉ có các nàng manơcanh, buồn tênh, trong khi đàn bồ câu tung tăng tràn vào lòng phố. Bóng người kín mít khẩu trang, lướt qua nhau nặng nề tâm trạng. Tiếng còi cấp cứu trong đêm, phá vỡ thinh không tĩnh lặng. Bệnh viện mệt nhoài với những khuôn mặt, đếm nỗi buồn qua chuỗi ngày hiu hắt, mong manh.
Xoay trở và thích ứng
Covid-19, kẻ âm thầm hủy diệt nhân loại, đang làm đảo lộn trật tự cuộc sống nơi đây.
Buổi chiều cuối tuần kéo dài không dứt. Đêm bị ngày tràn vào thao thức, và buổi sáng bình minh bắt đầu khi quá nửa trưa. Đôi mắt trẻ thơ thẫn thờ, tội nghiệp, bí bách quá lâu trong căn phòng nhỏ hẹp. Mong ngóng được cắp sách đến trường, gặp bạn bè, thầy cô và thỏa thích nô đùa.
“Những yêu thương lan tỏa đã truyền cho ta thông điệp sống đẹp đẽ, hãy biết cho đi, giúp đỡ nhau nếu có thể, dù xung quanh bệnh dịch vẫn lan tràn. Có tình người là sẽ có bình an cho nhân loại.”- Trần Thủy
Thấp thỏm, lo lắng, cầu nguyện cho bản thân, gia đình không bị nhiễm bệnh, là tâm lý chung của tất cả mọi người. Giao tiếp với thế giới bên ngoài chỉ qua chiếc điện thoại. Mỗi lần cầm lên, tin tức bệnh dịch tăng chóng mặt, những cái chết tức tưởi, vô nghĩa, mà thấy lòng nghẹn đắng. Giữa bao nỗi đau chồng chất, những khó khăn chưa tìm được hướng ra. Tôi lại vô cùng xúc động, về tình người và lòng trắc ẩn của bà con xa xứ. Luôn cưu mang giúp đỡ, thương mến sẻ chia, trong lúc khốn cùng.
Khi Covid-19 bắt đầu hoành hành ở châu Âu, khẩu trang là mặt hàng vô cùng khan hiếm. Trên những trang mạng của người Việt xa xứ tại Đức, rất nhiều lời kêu gọi khẩn thiết. Ai có khẩu trang hãy mang ra, có vải dư, có máy may, nếu biết nghề thì chung tay góp sức cùng nước sở tại, đẩy lùi bệnh dịch. Đây là lúc chúng ta bày tỏ lòng biết ơn, và cống hiến một phần nhỏ bé cho đất nước, đã luôn cưu mang, giúp đỡ gia đình mình.
Tiếp theo lời kêu gọi, là những hành động thiết thực. Gia đình tôi cũng lấy hết số khẩu trang còn lại, chia cho hàng xóm. Các tiệm nail, cửa hàng mỹ phẩm của người Việt, đã huy động số lượng lớn khẩu trang, găng tay dự trữ để trao tặng. Nhiều gia đình có máy may, tập hợp thành một nhóm, may ngày, may đêm cho ra sản phẩm.
Tôi đã thấy những yêu thương
Hiền, cô bạn tôi ở Zittau (Zittau là thành phố của Đức, nằm gần biên giới giữa Đức, Cộng hoà Séc và Ba Lan – BTV), là một thợ may. Cô thường may những bộ áo dài truyền thống nhưng khi dịch Covid-19 lan mạnh, cô đã chuyển gấp sang may khẩu trang, gửi tặng bạn bè và ủng hộ cho bệnh viện, hội chữ thập đỏ gần nhà. Nghĩa cử tuy nhỏ bé, giản dị, nhưng được báo chí và chính quyền địa phương đánh giá rất cao.
Tinh thần giúp đỡ, sẻ chia đó, tôi còn thấy xuất hiện rất nhiều trong đại dịch.
Còn nhiều lắm về tình người ở đây, mà tôi không thể kể hết qua bài viết ngắn ngủi này. Chỉ biết mỗi lần đọc xong, nước mắt tôi lại rơi. Cảm xúc tự hào và biết ơn những tấm lòng nhân hậu đó Trần Thủy
Chàng trai Lê Kim Nhân 29 tuổi, ung thư máu giai đoạn cuối, mắc kẹt tại Đức đúng lúc Covid-19 đang hoành hành. Để có chỗ trên chuyến bay gần nhất, cho Nhân về gặp vợ con, là cả sự nỗ lực của cộng đồng. Chị Thúy Minh ở Stuttgart, chị Lan Anh ở Offenbach, anh Dũng, đại diện Hiệp hội điều Việt Nam tại Đức… đã từng giờ, từng phút, kêu gọi cộng đồng mạng, quyên góp, nhường chỗ cho chàng trai đang gặp nguy khó, được về nhắm mắt trong vòng tay yêu thương của gia đình.
Tôi cũng rất cảm phục tấm lòng của chị Liên, một y tá ở München. Chị bị nhiễm Covid-19 trong quá trình làm việc. Lúc ở nhà chữa bệnh, chị đã lập ra một trang tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm và cách chữa trị. Rất nhiều người Việt không giấy tờ, mẹ đơn thân bị bệnh, vô cùng hoang mang lo lắng, cầu cứu đến chị và đã được chị tư vấn, hỗ trợ hotline (đường dây nóng) kịp thời để nhập viện. Chị như một vị cứu tinh của những người gặp hoạn nạn nơi xứ người mà không biết bấu víu nơi đâu.
Rất dễ thấy nhiều trang Facebook, của các anh chị có chuyên môn y tế ở đây, hướng dẫn tỉ mỉ bà con cách ăn uống, phòng chống và cách chữa trị tại nhà. Nhiều số điện thoại phiên dịch miễn phí được gửi đến bà con khi cần giúp đỡ lúc nguy cấp.
Ở Berlin, nơi tập trung đông người Việt không giấy tờ, cuộc sống vô cùng mong manh, nay đây mai đó. Không ít gia đình đã nhận cưu mang, cho họ ở nhờ trong thời gian này. Thỉnh thoảng tại chợ Đồng Xuân lại có buổi phát lương thực, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, “lá lành đùm lá rách”.
Gần nhất là bạn bè, hàng xóm. Khi một gia đình bị bệnh, mọi người sẽ nấu ăn, mua đồ giúp để sẵn bên ngoài. Những lời hỏi thăm, động viên kịp thời nơi đất khách như tiếp thêm sức mạnh để gia đình vượt qua bạo bệnh.
Còn nhiều lắm về tình người ở đây, mà tôi không thể kể hết qua bài viết ngắn ngủi này. Chỉ biết mỗi lần đọc xong, nước mắt tôi lại rơi. Cảm xúc tự hào và biết ơn những tấm lòng nhân hậu đó.
Họ như những bông hoa, lặng lẽ tỏa hương nơi tâm dịch, như những đốm lửa giữ hơi ấm trong đêm đen. Những yêu thương lan tỏa đã truyền cho ta thông điệp sống đẹp đẽ, hãy biết cho đi, giúp đỡ nhau nếu có thể, dù xung quanh bệnh dịch vẫn lan tràn. Có tình người là sẽ có bình an cho nhân loại. Và dù ở đâu trên trái đất này, người Việt chúng ta vẫn thấm nhuần câu ca dao, từ thuở nằm nôi qua lời ru của mẹ: “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
* Viết từ Đức, ngày 19.4.2021
Nguồn: thanhnien.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC