Món quà đắt tiền nhất trong cuộc phỏng vấn nhanh của Người Việt có lẽ là một cái xe cũ.
Cô Denise Nguyễn, ngụ tại Garden Grove, nói về món quà làm cô hết sức cảm động: “Tôi nhận quà Giáng Sinh từ hồi Tháng Chín, khi tôi bắt đầu nhập học ở đại học UCLA. Ba tôi cho tôi cái xe Honda đời 2012 để đi học. Xe cũ, nhưng tôi cảm động muốn khóc, vì má tôi có cái xe hư từ năm ngoái, không có tiền mua xe khác. Mỗi ngày, ba tôi phải chở má tôi đi làm. Tôi biết đây là một sự cố gắng lớn lao của ba má tôi. Để đáp lại tình cảm này, tôi ráng lái xe về thăm nhà mỗi tuần rồi Thứ Hai dậy sớm lên trường cho kịp lớp.”
Mùa lễ, cô Denise về nhà phụ gia đình và đưa đón má cô để bớt việc cho ba cô vì ông cũng phải làm toàn thời gian.
Cô tự hứa rằng sẽ sớm thành nha sĩ để cha mẹ vui lòng. Đây là món quà Giáng Sinh cô muốn tặng cha mẹ nhưng cần mấy năm nữa mới thực hiện được.
Cũng có người tặng quà mang ý nghĩa tinh thần lớn lao hơn.
Ông Trần Văn Đắc, cư dân Fountain Valley, cho biết, theo thông lệ, mọi người trong gia đình ông phải tặng nhau những món quà ý nghĩa chứ không phải là quà cho có lệ.
Riêng ông, năm nay, ông quyết định chuẩn bị sẵn cho con gái riêng của vợ một món quà đặc biệt, đó là tặng cho cô một vé máy bay khứ hồi để cô đi Pennsylvania thăm cha ruột. “Tội nghiệp, ông này mới được bác sĩ báo là bị ung thư ruột và hiện đang nằm trong bệnh viện,” ông Đắc nói. “Dĩ nhiên, vợ chồng tôi cũng tình nguyện giữ đứa cháu bốn tuổi cho nó đi. Tội, cha con bao năm không gặp nhau.”
Còn quà của riêng ông? Nhìn vợ vui chính là món quà quí báu mà ông muốn.
Cô Trish Trinh Lê, ở Santa Ana, đã sắp xếp để tặng cha mình một món quà bất ngờ.
Cô nói: “Tôi lén cha tôi, gọi điện thoại mời chú tôi ở San Francisco, ngày 21 Tháng Mười Hai, có mặt ở đây để ăn Noel với chúng tôi.”
Nhưng tại sao chuyện mời người chú xuống gặp gia đình lại là món quà cô muốn tặng cha mình?
“Cách nay tám năm, trong một bữa tiệc, cha tôi và chú tôi tranh cãi vì chuyện nhỏ rồi giận nhau luôn. Ngày, giỗ, ngày Tết, có người này thì không có người kia,” cô kể.
“Tôi đang hội nhập thôi. Ở Việt Nam không có tục lệ tặng quà Giáng Sinh,” bà Trương Lan Anh nói. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Cô biết cả hai người đều hối hận về chuyện này nhưng ai cũng muốn người kia nhận lỗi trước.
Cô nói: “Bởi vậy, tôi đứng ra giải hòa cho hai người để gia đình vui vẻ. Tuần trước, tình cờ tôi thấy cha tôi lấy hình chú tôi hồi còn ở Việt Nam ra coi rồi thở dài.”
Cô biết đây là món quà không riêng gì cho cha và chú mà cả gia đình sẽ rất mừng khi hai người hòa thuận.
Cũng tặng cho con một món quà có tính chất tinh thần, ông Vũ Huy Văn, bác sĩ khoa đau nhức ở Fountain Valley, nói: “Gia đình tôi có thông lệ là vào dịp Giáng Sinh, gia đình sẽ bốc thăm, mỗi người chỉ tặng cho một người khác trong gia đình và phải tự tay làm mới được.”
Ông có đứa con trai rất thích coi môn bóng cà na (football) của Mỹ. Năm nay, ông tự tay vẽ hình cái nón bảo hộ (helmet) của đội “Seattle Seahawks” rồi lồng khung để tặng con mình. Ông biết con trai ông sẽ thích lắm.
Ngoài ra, ông còn muốn dạy các con biết quan tâm đến người khác.
“Hôm rồi, Garden Grove có tổ chức góp quà cho trẻ em nghèo. Các con tôi, tuổi từ 7 đến 13, phải tự bỏ tiền mua quà ở Target để đóng góp,” ông kể.
Ở Huntington Beach, bà Lê Bạch Huệ cũng đã tự tay làm quà cho con trai và con dâu.
Bà nói: “Tôi mới học đan và vừa gởi hai cái áo len cho con tôi và vợ nó ở Maryland. Con tôi tuổi Tí mà rất thích ngựa. Tôi đan được hai cái áo, một xanh, một đỏ, có hình ngựa cho nó vui. Áo mua ở tiệm chỉ toàn hình con hưu, con nai thôi.”
Con bà vừa xin được việc ở Maryland. Lần đầu xa con trong suốt 40 năm nên bà muốn có món quà đặc biệt cho con.
Ông Hoàng Văn Trước, cư dân Fountain Valley, cũng có quà do chính ông làm để gởi cho con ở xa.
Ông Tài Cao: “Hai vợ chồng ăn chung là vui rồi.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Ông nói: “Con tôi ở Chicago. Lúc trước, nó thích ăn chả cả thì là của mẹ nó làm lắm. Vợ tôi mất mấy năm rồi. Năm nay nó không về thăm tôi được nên tôi cố nhớ mẹ nó ướp chả cá như thế nào rồi làm thử. Hư mấy mẻ, nhưng lần này thì ăn thử thấy ngon nên tôi mới dám gởi đi làm quà. Hơn 10 kg, hư là khổ tôi phải ăn hết.”
Khi hỏi ông muốn nhận gì dịp Giáng Sinh, ông nói: “Tôi nghe phong phanh con dâu tôi có thai. Nếu tôi sắp có cháu nội thì đó là phần quà to lớn nhất cho tôi.”
Bà Trương Lan Anh, ở Westminster, nói: “Quà cáp cho nhau trong dịp Giáng Sinh là phong tục bên Mỹ. Tôi mới qua đây nên đang hội nhập thôi.”
Ở Việt Nam, gia đình bà hay đi chơi xa trong mùa Giáng Sinh chứ không có lệ tổ chức ăn uống để gia đình, họ hàng quây quần bên nhau.
Để hội nhập, bà và con trai sẽ tặng nhau áo lạnh loại tốt nhất. “Còn các cháu, tôi sẽ bỏ bao lì xì vô gói quà để ai muốn gì thì mua, cho thực tế,” bà nói.
Cũng trên tinh thần đơn giản, gọn nhẹ và thực tế, cô Tâm Trương, ở Westminster, cho biết cô mua quà tùy theo từng người. “Cho bạn trai, tôi sẽ mua hai vé coi phim. Cho cha mẹ, tôi mời gia đình đi ăn. Cho bạn gái, tôi mua cây son.”
Cô không quan tâm đến việc nhận quà. “Cái gì cũng được. Cái gì cũng vui. Tôi không cho chuyện nhận quà là quan trọng,” cô nói.
Trong khi đó, ông Tài Cao, cư dân Westminster, lại cho rằng “bữa ăn gia đình giữa hai vợ chồng cũng đủ là quà Giáng Sinh rồi.”
Ông nói: “Tôi làm nghề sửa xe, ít khi ăn cơm nhà. Giáng Sinh này, hai vợ chồng ăn cơm chung là vui rồi.”
Còn bạn, bạn sẽ tặng gì và mong nhận được quà gì trong mùa Giáng Sinh này? –
© 2024 | Thời báo ĐỨC