Những thực tập sinh nữ phải phá thai vì sợ bị trục xuất ở Nhật Bản

Áp lực tài chính, bao gồm nợ phí môi giới và nhu cầu từ gia đình, cũng đè nặng lên những thực tập sinh như Lê Thị Thùy Linh, một công nhân Việt Nam tại trang trại ở Kumamoto, miền nam Nhật Bản, người đã phát hiện ra mình có thai vào tháng 7/2020.

Khi Vanessa (người Philippines), một thực tập sinh kỹ thuật ở Nhật Bản, từ chối phá thai, người giám sát đã gây áp lực buộc cô nghỉ việc và trục xuất về nước.

Các nhà hoạt động xã hội cho biết trường hợp của Vanessa là một ví dụ về sự lạm dụng mà những nữ lao động phải đối mặt trong chương trình gây tranh cãi giúp Nhật Bản đáp ứng được nhu cầu lao động của mình.

Chương trình "thực tập sinh kỹ thuật" có khoảng 275.000 công nhân đến từ nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc và Việt Nam, vào năm 2021 được cho sẽ mang đến cho người tham gia những kỹ năng chuyên môn có thể sử dụng tại quê nhà của họ.

Đây là lực lượng lao động có giá trị trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt tình trạng dân số già. Tuy nhiên, chương trình này bị cáo buộc che đậy sự phân biệt đối xử và lạm dụng thể chất đối với người lao động.

Trong đó, các nữ thực tập sinh đối mặt những áp lực đặc biệt khi mang thai.

1 Nhung Thuc Tap Sinh Nu Phai Pha Thai Vi So Bi Truc Xuat O Nhat Ban

Nhiều nữ thực tập sinh tại Nhật Bản lo sợ bị đuổi việc, trục xuất khi mang thai. Ảnh: AFP.

Phá thai hoặc bị đuổi

Khi đang làm việc tại một viện dưỡng lão ở Fukuoka, miền nam Nhật Bản, Vanessa (25 tuổi, người Philippines) phát hiện ra mình có thai. Cô hy vọng sẽ được trở lại làm việc sau khi sinh.

Thế nhưng, các ông chủ lại ép Vanessa và người bạn đời của mình phải đi phá thai, mặc dù việc đó vừa là điều cấm kỵ vừa là tội ác ở quê nhà của cô.

"Tôi đã nghĩ: 'Làm sao họ dám'. Phá thai là lựa chọn của người mẹ, không phải của bất kỳ ai khác", cô gái 25 tuổi nói với AFP.

Khi cô từ chối phá thai, người giám sát đã ép cô phải nghỉ việc.

Bộ Y tế Nhật Bản cho biết 637 thực tập sinh kỹ thuật đã nghỉ việc vì mang thai hoặc sinh con từ năm 2017 đến năm 2020, trong đó có 47 người nói rằng họ muốn tiếp tục chương trình.

Nhưng những người ủng hộ nói rằng đó có thể là "phần nổi của tảng băng chìm", và không có thống kê nào cho thấy có bao nhiêu người khác đã bị áp lực để tránh mang thai hoặc phải từ bỏ đứa con trong bụng mình.

2 Nhung Thuc Tap Sinh Nu Phai Pha Thai Vi So Bi Truc Xuat O Nhat Ban

Nhiều thực tập sinh không biết rằng họ được bảo vệ theo Luật lao động Nhật Bản, cấm sa thải khi nhân viên mang thai và sinh con. Ảnh: Reuters.

Masako Tanaka, giáo sư Đại học Sophia chuyên nghiên cứu về quyền sinh sản của phụ nữ nhập cư, cho biết: “Hầu hết thực tập sinh kỹ thuật đều trong độ tuổi sinh sản".

Luật pháp Nhật Bản cấm quấy rối hoặc phân biệt đối xử do mang thai với các thực tập sinh kỹ thuật. Song "quấy rối thai sản" vẫn là một vấn đề đối với phụ nữ Nhật Bản, những nữ thực tập sinh nước ngoài thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn.

Các báo cáo về phân biệt đối xử dựa trên việc mang thai vào năm 2019 đã khiến cơ quan nhập cư của Nhật Bản nhắc nhở các nhà tuyển dụng về quyền của thực tập sinh.

"Chúng tôi hiểu rằng hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp các thực tập sinh kỹ thuật, với tư cách là con người, mang thai và sinh con, và họ không nên bị đối xử bất lợi vì điều đó", một quan chức cơ quan nhập cư nói với AFP.

Hiroki Ishiguro, một luật sư đại diện cho các thực tập sinh kỹ thuật, cho biết các nhà tuyển dụng thường coi họ là lao động giá rẻ có thể thay thế cho nhau.

“Đối với một số người sử dụng lao động, việc gửi một người lao động nữ về nước và thay thế họ bằng những thực tập sinh hoàn toàn mới sẽ dễ dàng hơn là phải trải qua những gánh nặng khi họ mang thai và sinh con", ông nói.

Trở lại Philippines, Vanessa được thông báo rằng trường hợp mang thai của cô có thể đem lại tiếng xấu cho các thực tập sinh nước này.

"Họ nói rằng vì câu chuyện của tôi, giá trị của các thực tập sinh Philippines sẽ bị giảm xuống", cô nhớ lại.

"Mẹ xin lỗi hai con"

Ishiguro, người đại diện cho Linh, cho biết cô sợ gia đình ở quê nhà sẽ bị "hủy hoại tài chính" nếu cô bị trục xuất vì đang mang thai.

Cô đã giấu việc mang thai với chủ và tìm cách phá thai.

3 Nhung Thuc Tap Sinh Nu Phai Pha Thai Vi So Bi Truc Xuat O Nhat Ban

Một nhóm ủng hộ Lê Thị Thùy Linh do đội ngũ luật sư của cô tổ chức trước phiên tòa tại Fukuoka vào ngày 19/1. Ảnh: Yoshiki Yashiro.

Nhưng thuốc phá thai không được chấp thuận ở Nhật Bản, nơi việc phẫu thuật phá thai thường có giá lên tới 100.000 yen (815 USD), và một số thực tập sinh lo ngại các phòng khám có thể tiết lộ chuyện này với người sử dụng lao động.

Điều đó khiến một số phụ nữ chọn tìm đến thuốc phá thai trái phép, thứ có thể khiến họ bị buộc tội.

Linh đã uống thuốc phá thai mà cô tìm thấy trên mạng ngay sau khi phát hiện có thai nhưng vô ích.

Người chủ bắt đầu nghi ngờ về việc Linh mang thai dù cô phủ nhận điều đó, người này cũng cảnh báo rằng cô sẽ "khó khăn" nếu quyết định sinh và nuôi con.

Tháng 11, cô sinh non khi chỉ có một mình ở nhà. Cặp song sinh đã chết lưu.

Cô quấn những cái xác trong một chiếc khăn và đặt chúng vào thùng giấy trong phòng của mình, với một tờ giấy ghi dòng chữ: "Mẹ xin lỗi hai con".

Ngày hôm sau, cô tìm kiếm sự giúp đỡ từ một bác sĩ, người sau đó báo cáo cô với chính quyền.

Vào tháng 1/2022, cô bị nhận 3 tháng tù treo vì đã vứt xác của hai thai nhi sinh đôi, đồng thời chịu thử thách 2 năm.

Câu chuyện của Vanessa kết thúc theo hướng khác, cô sinh con trai ở Philippines, nhưng vẫn hy vọng sẽ trở lại Nhật Bản.

"Tôi muốn chứng minh rằng một thực tập sinh đang mang thai và sinh con ở đất nước của mình và quay trở lại Nhật Bản để hoàn thành hợp đồng là hoàn toàn có thể", cô nói.

Theo: ZING.VN


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày