Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao vừa phối hợp với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội chủ trì buổi tọa đàm về chính sách pháp luật quốc tịch, nhằm tiếp tục rà soát, lấy ý kiến sâu rộng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong đó có người Việt tại CH Séc về các chính sách pháp luật liên quan, từ đó có các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Các đại biểu trao đổi với điểm cầu Hà Nội về các khó khăn vướng mắc hiện nay về vấn đề quốc tịch
Buổi tọa đàm về chính sách pháp luật quốc tịch đối với bà con cộng đồng người Việt Nam ở CH Séc đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của nhà nước với cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung, CH Séc nói riêng theo đúng tinh thần Kết luận của 12 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về công tác NVNONN trong tình hình mới.
Hoan nghênh sáng kiến tổ chức tọa đàm về chính sách phát luật quốc tịch dành cho người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có kiều bào ở Cộng hòa Séc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Séc Thái Xuân Dũng nhấn mạnh, theo con số thống kê chưa đầy đủ, cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc có khoảng 90.000 người, trong đó có khoảng 30.000 người Séc gốc Việt và người có hai quốc tịch. Chính phủ Séc cũng công nhận cộng đồng Việt Nam là dân tộc thiểu số thứ 14 của Séc từ năm 2013 và cộng đồng người Việt được chính quyền sở tại đánh giá là cộng đồng cần cù, chăm chỉ, năng động, chấp hành tốt luật pháp và có nhiều đóng góp về kinh tế, văn hóa và xã hội của CH Séc.
Đa số thế hệ thứ 2 và thứ 3 của người Việt tại CH Séc được học hành bài bản, nhiều người là kỹ sư, bác sĩ, giảng viên đại học hoặc đang làm trong các công ty tập đoàn đa quốc gia… Có thể nói, cộng đồng người Việt CH Séc đã và đang có xu hướng tham gia ngày càng sâu rộng vào đời sống nước sở tại, họ chính là nguồn lực, nguồn tri thức dồi dào, nếu tận dụng tốt sẽ giúp rất nhiều cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đại sứ Thái Xuân Dũng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hiện nay, đã đến lúc cần xem lại các quy định pháp luật, đặc biệt cần bổ sung sửa đổi Luật quốc tịch hoặc có văn bản giải thích một số điều và quá trình triển khai luật quốc tịch. Việc thực hiện cần theo hướng đổi mới và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con. Tôi tin rằng trong thời gian tới, các nguyện vọng của bà con sẽ được đáp ứng. Việc trở lại quốc tịch Việt Nam cũng là điều kiện giúp kiều bào gắn bó hơn với đất nước cũng như trở về đất nước giao lưu, làm ăn, đầu tư…".
Đại sứ Thái Xuân Dũng
Kể từ năm 2014 đến nay, luật pháp Séc cho phép công dân Séc có quyền có nhiều quốc tịch, người nước ngoài không phải xin thôi quốc tịch gốc để nhập quốc tịch Séc, do đó nhiều người Séc gốc Việt có nguyện vọng tha thiết muốn trở lại quốc tịch Việt Nam.
Chia sẻ về nội dung này, ông Thiều Văn Quang, Phó Chủ tịch chi hội người Việt Nam tại SAPA cho biết, đa số các thế hệ người Việt tại Séc đặc biệt là thế hệ thứ 2 và thứ 3 đều có nguyện vọng được trở lại quốc tịch Việt Nam với mong muốn có điều kiện thuận lợi hơn trong việc đi lại, giao lưu, đầu tư trong nước cũng như có cơ hội được đóng góp sức mình cho quê hương, đất nước.
“Chúng tôi tha thiết có nguyện vọng được cấp lại quốc tịch Việt Nam, bởi đây là quê hương của mình. Buổi tọa đàm này rất bổ ích, thiết thực; việc quay trở lại quốc tịch Việt Nam như thế nào đáp ứng mong mỏi của đa số kiều bào, chúng tôi đề nghị nhà nước có quy chế phù hợp cho bà con đồng người Việt ở nước ngoài nói chung, Cộng hòa Séc nói riêng vì đây cũng cộng đồng được công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14. Cộng đồng này rất đông, vừa hồng vừa chuyên được đào tạo cơ bản, nếu không làm sớm thì có thể lãng phí nguồn lực những người sẵn sàng cống hiến cho quê hương đất nước" - ông Thiều Văn Quang cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực (Bộ Tư pháp) thông tin rõ hơn các quy định liên quan đến vấn đề quốc tịch. (Ảnh: Dương Tiêu)
Tại buổi tọa đàm, nhiều kiều bào đã trao đổi những thông tin liên quan đến việc cấp trở lại quốc tịch Việt Nam như một số quy định còn mang tính nguyên tắc, chung chung, dẫn đến lúng túng và khó khăn khi áp dụng, thực hiện cụ thể như Khoản 5 Điều 23 Luật quốc tịch Việt Nam về “trường hợp đặc biệt” để được Chủ tịch nước cho phép giữ quốc tịch nước ngoài khi xin nhập quốc tịch, xin trở lại quốc tịch Việt Nam; ý kiến về thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề liên quan tới quốc tịch.
Các ý kiến cũng đề nghị làm rõ một số quy định tại Nghị định 16 của Chính phủ hướng dẫn Luật Quốc tịch Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị xem xét tạo điều kiện hơn nữa cho kiều bào được trở lại quốc tịch Việt Nam nếu có nguyện vọng, không phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài, hướng tới việc cho phép công dân việt nam có hai hay nhiều quốc tịch khi Luật Quốc tịch sửa đổi.
Nguồn: vov.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC