Đại lễ năm nay quy tụ được đông đảo Phật tử và bà con kính yêu đạo Phật trong cộng đồng người Việt và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Séc
Tối 29/5, hàng trăm Phật tử và bà con tại Cộng hòa Séc đã tới tham dự Đại lễ Phật Đản 2022 (Phật lịch 2566) được tổ chức trang trọng tại Trung tâm Thương mại Sa Pa, thủ đô Praha, Cộng hòa Séc.
Thượng tọa Thích Minh Thuận
Tới dự có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Séc cùng đại diện các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, đại diện lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc cùng toàn thể các Phật tử, kiều bào đang sinh sống tại Cộng hòa Séc.
Sau 2 năm phải thu hẹp phạm vi vì đại dịch Covid-19, Đại lễ năm nay quy tụ được đông đảo Phật tử và bà con kính yêu đạo Phật trong cộng đồng người Việt và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Séc.
Đại lễ Phật Đản Vesak Phật lịch 2566, Dương lịch 2022 tại Séc diễn ra trong không khí tôn nghiêm và thấm đượm giáo lý Phật giáo với đầy đủ các nghi thức linh thiêng của đạo Phật như: Cung thỉnh Chư tôn đức, niệm Phật cầu gia bị, chào Đạo kỳ, dâng hoa cúng dường, pháp thoại của Chư tôn đức, lễ thắp nến mừng ngày Đức Phật Đản sinh, tụng kinh Khánh đản và nghi thức tắm Phật.
Trong phát biểu chào mừng, Đại sứ Thái Xuân Dũng nhấn mạnh với gần 2.000 năm gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam luôn lấy đức “từ, bi, hỉ xả,” lấy “chân-thiện-mỹ” để giáo hóa chúng sinh, lấy trí tuệ làm phương châm hành đạo.
Giáo lý Phật giáo đã thấm nhuần sâu trong đời sống của đại bộ phận người dân Việt Nam và trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử, Phật giáo cũng có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Hộ quốc, an dân.”
Đại sứ khẳng định Đại lễ Phật Đản không chỉ là dịp tôn vinh Đức Phật, mà còn là hoạt động văn hóa tâm linh rất ý nghĩa nhằm tiếp tục lan tỏa tư tưởng nhân văn, giáo lý hướng thiện của đạo Phật, góp phần duy trì đời sống tinh thần và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như tăng cường gắn kết bà con trong cộng đồng.
Đại sứ bày tỏ mong muốn các tăng ni, Phật tử nói riêng và bà con kiều bào trong cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc nói chung sẽ luôn đoàn kết, gắn bó và đồng hành cùng quê hương, đất nước.
Đại sứ Thái Xuân Dũng gửi lời chúc mừng tới cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Séc, đồng thời ghi nhận tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng cũng như những đóng góp của bà con vào các hoạt động chung của Đại sứ quán, các hoạt động quyên góp thiện nguyện hướng về quê hương đất nước.
Đại sứ nhấn mạnh, Đại lễ Phật Đản là hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng có ý nghĩa tâm linh truyền thống mang tính nhân văn, góp phần duy trì đời sống tinh thần và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, cũng như tăng cường đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng.
“Đại lễ Phật Đản là một hoạt động tâm linh, tôn giáo rất có ý nghĩa góp phần lan tỏa chủ nghĩa nhân văn, tư tưởng hướng thiện của đạo Phật, duy trì bảo tồn văn hóa truyền thống của người Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời gắn kết cộng đồng người Việt ở nước sở tại. Do đó, Đại sứ quán rất ủng hộ những hoạt động như vậy để góp phần tăng cường gắn kết và củng cố sức mạnh của cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc” – Đại sứ cho biết.
Đại lễ năm nay quy tụ được đông đảo Phật tử và bà con kính yêu đạo Phật trong cộng đồng người Việt và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Séc.Tại buổi lễ, các Phật tử và bà con kính yêu đạo Phật của Trung ương Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã lắng nghe Đại đức Thích Từ Phước đọc thông điệp Đại lễ Phật Đản (Phật lịch 2566) của Đức Huyền Pháp trụ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trong không khí trang nghiêm, toàn thể đạo tràng cũng đã thực hiện nghi lễ dâng hương cúng Phật, thắp nến mừng ngày Đức Phật Đản sinh, cầu nguyện hòa bình, chúng sinh an lạc và thực hiện nghi thức Tắm Phật.
Chia sẻ thông điệp của Phật giáo đối với người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, Tiến sĩ Phật học, Thượng tọa Thích Minh Thuận cho biết, thông điệp của Hòa thượng Pháp trụ muốn nhắc nhở rằng mình là người Việt Nam, khi đến đâu cũng phải cố gắng giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa của con người mình. Đồng thời áp dụng lòng từ bi và trí tuệ mà đức Phật đã dạy thì đi đến đâu mình cũng được chào đón và được tôn trọng.
“Bổn phận của Phật tử là hiếu thảo ông bà, cha mẹ, đối với đất nước, đối với đức Phật phải trọn vẹn. Muốn cho thế giới này được an bình thì những lời dạy của đức Phật là một nền tảng mà bất cứ ai nếu thực hiện đúng thì chúng ta đến nơi nào cũng có những người bạn ở đó và có thể coi đó là quê hương của mình, an tâm công hiến và phụng sự” – Thượng tọa Thích Minh Thuận cho biết.
Là một người luôn kính yêu đạo Phật, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Yến cho rằng, việc tổ chức Đại lễ Phật Đản sẽ mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, cũng như phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết dân tộc của bà con người Việt ở nước ngoài.
“Đại lễ giúp kết nối tinh thần đại đoàn kết dân tộc của những người Việt xa xứ, cũng như những người theo đạo Phật ở nước ngoài gắn bó, thương yêu, giúp đỡ đùm bọc nhau hơn. Qua tinh thần của đạo Phật để nhắc nhở chúng ta hướng về tổ tiên cội nguồn với lòng biết ơn sâu sắc. Thông qua tinh thần bác ái của đạo Phật để giúp cho bạn bè quốc tế nhìn về hình ảnh người Việt nói riêng cũng như người theo đạo Phật nói chung một cách thân thương, kính trọng, để giúp cho cộng đồng người Việt cũng như những người theo đạo Phật có thể hội nhập vào đất nước sở tại một cách hòa bình, bình an hơn” – bà Nguyễn Thị Bích Yến chia sẻ.
Đại lễ Phật Đản là hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng có ý nghĩa tâm linh truyền thống mang tính nhân vănĐối với Phật tử người Việt tại Séc, Đại lễ Phật đản còn là một ngày hội kết nối những người con xa quê, cùng chung tay xây dựng một cộng đồng người Việt luôn đoàn kết, yêu thương lẫn nhau và xây dựng hình ảnh đẹp của người Việt Nam ở nước ngoài với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và luôn hướng về quê hương đất nước với những việc làm thiết thực.
© 2024 | Thời báo ĐỨC