Người Việt ở Mỹ đòi công lý cho nam sinh bị cảnh sát bắn chết

Cái chết của thanh niên gốc Việt Tommy Le đã khiến cộng đồng người Việt tại Mỹ đoàn kết lên tiếng về việc lạm dụng vũ lực của cảnh sát.

Người Việt ở Mỹ đòi công lý cho nam sinh bị cảnh sát bắn chết - 0

Tommy Le, 20 tuổi, người Mỹ gốc Việt, bị cảnh sát bang Washington bắn chết hôm 13/6. Ảnh: Seattle Times.

Thanh niên người Mỹ gốc Việt Tommy Le, 20 tuổi, bị cảnh sát hạt King, bang Washington bắn chết hồi tháng 6, chỉ vài giờ trước lễ tốt nghiệp trung học. Diễn biến của vụ việc này cũng tương tự như các vụ cảnh sát bắn thường dân khác, Los Angles Times đưa tin.

Các vụ cảnh sát nổ súng thường bắt đầu bằng một cuộc gọi của người dân địa phương về một kẻ khả nghi lăm lăm vũ khí trên phố vào ban đêm. Cảnh sát ngay lập tức có mặt. Rồi sau đó, họ tin chắc là họ nhìn thấy vũ khí. Họ bảo kẻ tình nghi hạ vũ khí xuống. Nhưng kẻ này không làm theo. Và khi hắn tiến về phía họ, họ buộc phải dùng đến súng phóng điện, sau đó là bắn hạ đối tượng. 

Vào đêm 13/6, sở cảnh sát hạt King nhận được cuộc gọi khẩn cấp về một nam thanh niên dùng vật sắc nhọn, có thể là dao, đe dọa người dân ở gần một đại lộ trong thành phố Burien. Một cư dân gần đó nói với nhân viên tổng đài rằng ông này đã buộc phải nổ súng cảnh cáo đối tượng, sau đó được xác nhận là Tommy Le.

Theo báo cáo của cảnh sát, khi thấy Le tiến đến gần, người đàn ông đã chạy vào trong nhà trốn. Và Le đã đập liên tiếp lên cửa nhà của nhân chứng và gào thét rằng mình là "Đấng sáng thế".

Cảnh sát tiếp cận và yêu cầu Le ném xuống dưới đất "vật mà họ nghĩ là một con dao", trung sĩ Cindi West, đại diện sở cảnh sát hạt King, cho biết. Hai cảnh sát có mặt tại hiện trường đã dùng súng điện để khống chế Le nhưng không thành. Sĩ quan cảnh sát Cesar Molina bắn Tommy Le ba phát và chàng trai trẻ được đưa vào bệnh nhưng không qua khỏi vì vết thương quá nặng.

Một tuần sau khi vụ việc xảy ra, cảnh sát hạt King mới đưa ra kết luận vật sắc nhọn mà họ tưởng là hung khí thực ra chỉ là một chiếc bút.

Sau cái chết của Tommy Le, ban đầu, cộng đồng dân cư vùng ngoại ô thành phố Seattle, thuộc hạt King, bang Washington hoàn toàn yên ắng, không xôn xao bàn tán, không biểu tình. Còn cảnh sát tiến hành xử lý kín vụ việc với gia đình nạn nhân.

"Tôi rất tức giận", ông Hoai Le, cha của nạn nhân nói, "Tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra với con trai tôi". Ông Le cảm thấy khó hiểu vì sao con trai mình, một thanh niên 20 tuổi chỉ cao 162 cm và nặng khoảng 55 kg, không có tiền sử sử dụng chất kích thích lại chết dưới nòng súng của cảnh sát.

Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở thắc mắc. Trong 48 ngày đầu tiên sau cái chết của Tommy, gia đình Le đóng cửa, tập trung làm lễ cho cậu theo nghi lễ Phật giáo. Họ không tiếp xúc với báo chí hay bất cứ tổ chức hoạt động nhân quyền nào.

"Nhiều người nhập cư trong cộng đồng chúng tôi chưa bao giờ mảy may có ý nghĩ chống lại hay thách thức chính quyền", Jefferey Vu, một kỹ sư của hãng Boeing làm việc chung với chú của nạn nhân, cho biết. "Người Việt Nam chúng tôi hoàn toàn xa lạ với phong trào trên khắp nước Mỹ liên quan đến thực trạng cảnh sát bắn dân thường".

Gần 4 tháng sau đó, mọi thứ bất ngờ thay đổi. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại thành phố Seattle, một trong những cộng đồng người Việt lớn nhất tại Mỹ, đồng thanh cất tiếng nói phản kháng, đòi công lý cho Tommy Le.

Cái chết của chàng trai 20 tuổi thổi bùng lên một chiến dịch đấu tranh kêu gọi bang Washington mở ra hành lang pháp lý để việc khởi tố các nhân viên cảnh sát trong các vụ lạm dụng súng trở nên dễ dàng hơn. Chiến dịch này còn vận động chính quyền bang buộc lực lượng cảnh sát trang bị camera giám sát trên xe đi tuần và gắn trên người. Diễn biến vụ cảnh sát bắn chết Tommy Le chưa được làm sáng tỏ chủ yếu do không có bất cứ video nào về vụ việc. 

Sau một thời gian im lặng, gia đình Le cuối cùng cũng lên tiếng và tham gia vào chiến dịch chống lại bạo lực cảnh sát. 

"Tôi không muốn danh dự của con trai bị xâm phạm", ông Hoai Le nói. "Tôi muốn công lý. Tôi đặt niềm tin vào chính quyền... Nhưng tôi thực sự căm phẫn cảnh sát khi nghe tin con trai bị sát hại".

Người Việt ở Mỹ đòi công lý cho nam sinh bị cảnh sát bắn chết - 1

Cha mẹ Tommy Le, bà Dieu Ho (trái) và ông Hoai Le, làm lễ cho con trai tại chùa. Ảnh: Los Angeles Times

Ông Le và gia đình sang Mỹ định cư từ năm 1991. Họ sống trong một căn nhà giản dị với khoảng sân đầy hoa ly và tượng Phật ở thành phố Burien, cách Seattle khoảng 30 phút lái xe về hướng nam. Tommy là con út trong gia đình có 6 anh chị em. 

Bước chân vào bên trong, hương khói vẫn nghi ngút. Người Việt Nam có truyền thống thắp hương hàng ngày cho người thân vừa mất. Bạn bè và họ hàng vẫn tới chia buồn cùng gia đình. Sau khi ly thân với vợ, ông Hoai Le và các con sống chung với hai người cô, một người em họ và mẹ già. Ông Le làm việc trong ngành thiết kế phong cảnh. Công việc trong nhà nhờ phần lớn vào sự giúp đỡ của những người thân lớn tuổi trong gia đình.

Tommy Le ham mê chơi cờ và mơ ước sau này trở thành nhà khoa học, thợ hàn hoặc lính cứu hỏa. Cậu chật vật với việc học ở trường. Vài tháng trước đây, Tommy nói với bố rằng muốn dọn ra ở riêng. Rồi cậu chuyển tới sống chung với vài người bạn trong một căn nhà dưới phố. Ngoài giờ học, Tommy đi làm thêm ở casino.

Vào chiều ngày 13/6, Tommy Le thi xong môn lịch sử rồi nhận mũ và áo choàng cho lễ tốt nghiệp ngày hôm sau. Khoảng 10 tiếng sau đó, cậu bị bắn chết.

Sáng hôm sau, tại lễ tốt nghiệp, nhà trường chiếu ảnh của những học sinh ra trường, trong đó có ảnh của Tommy. Bạn bè bên dưới vui mừng reo hò. Không một ai biết Tommy đã chết. 

Trong lúc đó, tại nhà, gia đình đã bày biện xong bàn thờ cho Tommy trong phòng khách. Ngoài hương, nến và hoa tươi, người thân còn bày những đĩa bánh kẹo như sô-cô-la Kit Kat mà lúc còn sống Tommy rất yêu thích. 

Cộng đồng người Việt loan tin về cái chết của Tommy Le qua một tờ báo Phật giáo địa phương. Sự tức giận nhanh chóng biến thành một cuộc đấu tranh vì quyền của người nhập cư. Những người Mỹ gốc Việt từ đủ mọi ngành nghề bao gồm công nghệ, chính trị hay dịch vụ ăn uống tích cực tham gia.

Vào tháng 7, cảnh sát hạt King đã phải tổ chức một cuộc họp, công khai trả lời chất vấn trước 150 người, đa số gốc Á. Tại cuộc họp, cộng đồng người Việt bố trí sẵn người phiên dịch để dịch tất cả các câu trả lời của cảnh sát trưởng. Họ còn mang bánh mỳ đến để chia sẻ với mọi người. 

"Tôi cảm thấy thật khó khăn khi chứng kiến lực lượng cảnh sát trên khắp đất nước bị quân sự hóa", ông Nguyên, 81 tuổi, có mặt tại cuộc họp, mong muốn mối quan hệ giữa cảnh sát và cộng đồng tốt lên.

"Chúng tôi đến đây để tìm kiếm tự do. Chúng tôi không đến đây để thấy con trai bị bắn chết", ông Hoai Le nói. "Chúng ta cần phải ngăn chặn việc này xảy ra với các gia đình khác".

Người Việt ở Mỹ đòi công lý cho nam sinh bị cảnh sát bắn chết - 2

Quoc Nguyen, họ hàng của Tommy Le, phát biểu tại một cuộc họp cộng đồng vào tháng 7. Ảnh: Los Angles Times.

Tại cuộc họp báo hôm 7/9, luật sư của gia đình Tommy Le đọc bản báo cáo của cơ quan pháp y hạt King cho thấy nam sinh 20 tuổi chết vì hai phát đạn bắn vào lưng. Nạn nhân còn bị bắn một phát vào mu bàn tay.

Theo luật sư, bằng chứng pháp y này mâu thuẫn với báo cáo của cảnh sát cho rằng Tommy Le bị bắn khi đang lao về phía hai nhân viên cảnh sát với một cây bút trong tay và cảnh sát bắn tất cả 6 phát đạn là để tự vệ, trong đó, ba phát trúng nạn nhân.

"Nếu [Le] đang tấn công cảnh sát thì cậu ấy đáng nhẽ ra sẽ bị bắn vào ngực", luật sư Campiche tuyên bố. "Nếu cậu ấy đang tấn công ai đó khác và cảnh sát buộc phải bắn 6 phát súng, trong đó ba phát trúng cậu bé, thì những viên còn lại phải trúng vào người mà cậu ấy đang tấn công". 

Gia đình của Tommy Le quyết định kiện chính quyền và sở cảnh sát cùng cảnh sát trưởng John Urquhart của hạt và đòi bồi thường 20 triệu USD.

Trong khi ông Hoai Le cho rằng cái chết của con trai là do "có gì đó không ổn với viên cảnh sát nổ súng", bà Dieu Ho, mẹ của nạn nhân, nghi ngờ đây là một vụ phân biệt chủng tộc. 

"Vâng, chắc chắn là có sự phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Việt", bà Dieu Ho nói. 

"Nếu Tommy có màu da khác, liệu cảnh sát có nổ súng hay không?", Xuyen Le, cô của nạn nhân, đồng tình.

Sau khi im lặng và lắng nghe mọi người nói, ông Hoai Le ngẫm nghĩ một chút rồi tỏ ra băn khoăn.

"Tại sao ban đầu cảnh sát tới nhà tôi nói rằng con trai tôi cầm dao? Sao họ chắc chắn thế? Sau đó, họ lại đổi ý? Còn điều gì khác (ngoài sắc tộc) khiến họ làm vậy cơ chứ?"

Theo VnExpress.net


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày