Van Nguyen làm việc tại một tiệm móng ở San Francisco, bang California, Mỹ. Lần nào mang bầu, cô cũng nghe đi nghe lại lời khuyên của bác sĩ rằng một là cô tạm ngừng công việc làm móng, hai là cô nên phá thai. Nhưng Nguyen không thể bỏ đứa con máu mủ và cũng không thể bỏ việc vì điều kiện kinh tế eo hẹp. Do vậy, cô lựa chọn cách hạn chế đi khám bác sĩ suốt 4 lần mang thai bất chấp chứng xuất huyết âm đạo và hai lần sảy thai.
“Các bác sĩ không có lỗi, lỗi là tại tôi”, người phụ nữ 46 tuổi nói với Guardian qua một người phiên dịch. “Đây là nghề tôi chọn để kiếm sống, vì vậy tôi phải sống với nó”.
Nguyen chỉ là một trong số hàng nghìn người nhập cư gốc Việt sống ở bang California, đa phần phụ nữ, làm việc miệt mài 12 tiếng mỗi ngày trong các tiệm làm móng. Thu nhập trung bình hàng năm của mỗi nhân viên làm móng khoảng 25.000 USD.
Do quá trình đào tạo nghề ngắn lại không đòi hỏi thông thạo tiếng Anh, suốt hàng chục năm qua, nghề làm móng đã trở thành kế sinh nhai ổn định của nhiều người Việt “chân ướt chân ráo” đến Mỹ. Khi còn lạ lẫm với vùng đất mới, nhiều người đi làm tại các tiệm móng của bạn bè, người quen hoặc họ hàng. Sau khi lận lưng một số vốn nhất định họ có thể mở cửa tiệm riêng.
Đó cũng chính là con đường lập nghiệp của cô Nguyen. Đến Mỹ khi mới 19 tuổi, Nguyen bắt tay ngay vào học và thực hành nghề làm móng tại cửa tiệm của anh trai. Hai năm sau đó, tích lũy đủ kinh nghiệm và vốn, Nguyen tách ra mở tiệm riêng.
“Ngành nghề nào giúp anh kiếm được luôn tiền trong thời gian ngắn nhất?” Nguyen đã tự hỏi bản thân như vậy khi quyết định chọn nghề làm móng. “Hàng ngày, anh cần tiền. Đây là cách (kiếm tiền) nhanh nhất với những người mới đến như chúng tôi”.
Tuy nhiên, cái giá phải trả cho giấc mơ Mỹ không rẻ. Nhân viên làm móng đối mặt với mối nguy hại sức khỏe hàng ngày. Vào năm 2014, Asia Health Services (AHS), một tổ chức xã hội hoạt động vì sức khỏe cộng đồng tại vịnh San Francisco, bắt đầu tiến hành khảo sát các tiệm làm móng trong vùng. Chỉ tính riêng bang California, đã có hơn 9.000 tiệm làm móng, đa số thuộc sở hữu của người gốc Việt hoặc tập trung đông lao động gốc Việt.
Mục đích ban đầu của cuộc khảo sát chỉ nhằm trang bị cho những người hành nghề làm móng kiến thức về bệnh tiểu đường và kêu gọi họ mua bảo hiểm y tế. Nhưng sau khi kết thúc khảo sát, AHS phát hiện ra vấn đề hoàn toàn khác.
“Tất cả những người lao động mà chúng tôi gặp đều có vấn đề sức khỏe”, giám đốc chương trình Julia Liou nói. “Chúng tôi nhận ra đây thực sự là một bệnh dịch”.
‘Bộ ba độc tố’
Cô Lan Anh Truong, 53 tuổi, chủ tiệm Leann’s ở thành phố Alameda, California, đến Mỹ với ước mơ tiếp tục theo đuổi nghề giáo viên. Tuy nhiên, kinh tế gia đình khó khăn đã khiến cô không có lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ học giữa chừng và đi làm móng.
“Hồi đó, tôi nghĩ mình còn trẻ nên sẽ quen thôi”, cô Truong nói và cho biết giống như Nguyen, cô sớm nhận thấy các vấn đề sức khỏe khi tiếp xúc với hóa chất cả ngày nhưng “tặc lưỡi” cho qua vì “công việc này giúp kiếm tiền nhanh”.
Chỉ cho đến khi nghe một khách hàng đang trải qua hóa trị liệu để chữa trị ung thư cảnh báo về tác hại của hóa chất, cô Truong mới bắt đầu tìm hiểu về các thành phần có trong các sản phẩm mình dùng hàng ngày. Và cô phát hiện bộ ba hóa chất độc hại là dibutyl phthalate, toluene và formaldehyde.
Cơ Quan Quản Lý An Toàn và Sức Khỏe Lao Động Mỹ cảnh báo việc tiếp xúc với những chất trên có thể gây ra một loạt vấn đề sức khỏe như đau đầu, chóng mặt, hô hấp, ung thư và gây hại cho thai nhi.
Cô Truong, bắt đầu nghề móng từ năm 1992, cuối cùng đã hiểu tại sao cô vật lộn với chứng khó thở và “ho suốt ngày” trong nhiều năm qua.
Tiệm làm móng kiểu mới
Vào năm 2005, AHS thành lập thành hiệp hội hợp tác làm móng an toàn của bang California. Các tiệm làm móng tham gia hiệp hội này cam kết sử dụng loại sơn móng tay, chất tẩy rửa ít hóa chất. Tất cả nhân viên bắt buộc phải đeo găng tay và khẩu trang khi làm việc và chủ tiệm phải sắm thiết bị thông hơi di động để làm giảm nồng độ hóa chất phát tán trong không khí.
Sau một thời gian áp dụng các tiêu chuẩn của hiệp hội đặt ra, cô Nguyen cho biết giờ đây không còn cảm thấy đau đầu hay khó thở nữa, những triệu chứng ngứa ngáy và mẩn đỏ trên da cũng biến mất.
Khi bước chân vào bên trong tiệm “New York” của cô Nguyen nằm trên phố Mission ở trung tâm San Francisco, người ta không còn ngửi thấy mùi hắc của hóa chất. Ngoài ra, mọi nhân viên đều đeo khẩu trang và găng tay khi chăm sóc khác hàng. Tại mỗi bàn làm móng đều có một ống hút như một cái vòi voi có tác dụng hút bớt các phân tử hóa chất tan trong không khí.
Sức khỏe của cô Truong cũng cải thiện đáng kể từ khi tiệm chuyển sang dùng loại sơn móng tay “ba không”, nghĩa là không chứa chất dibutyl phthalate, toluene và formaldehyde.
“Công đoạn khó khăn nhất là lúc quyết định thay đổi”, cô Nguyen nói. “Ban đầu, anh phải chấp nhận mất tiền để đạt được thứ giá trị hơn thế”. “Thứ giá trị hơn” mà bà chủ tiệm móng New York nói đến chính là sức khỏe.
Việc ngày càng nhiều tiệm móng áp dụng mô hình mới giúp giảm chi phí máy móc và sản phẩm nhưng giá thành vẫn khá cao, theo cô Nguyen. Mỗi chai sơn móng tay loại “ba không” có giá dao động từ 3-5 USD, đắt hơn nhiều so với một lọ sơn móng tay 1 USD thông thường. Cô Nguyen cũng cho biết chiếc máy thông khí di động đầu tiên mà cô sắm có giá lên tới 5.000 USD giờ đây giá thành đã xuống khoảng còn 1.000 USD.
Chi phí đầu tư ban đầu cho một tiệm làm móng kiểu mới là rào cản lớn nhất đối với người kinh doanh, theo giám đốc chương trình Julia Liou của tổ chức AHS.
Nỗ lực giải quyết vấn đề này của AHS đã được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ công nhận và hỗ trợ từ năm 2006. Cơ quan liên bang này cấp cho AHS 120.000 USD để chạy chương trình vay vốn nhỏ hay còn gọi là tín dụng vi mô dành cho đối tượng là những người kinh doanh dịch vụ làm móng.
Mỗi khoản vay trị giá tối đa 5.000 USD sẽ giúp những chủ tiệm như cô Nguyen và cô Truong mua sắm thiết bị thông khí, sản phẩm sơn móng không hóa chất và trang bị đồ bảo hộ cho nhân viên.
Tuy nhiên, nỗ lực của AHS đang vấp phải sự phản đối của quỹ theo trường phái bảo thủ Heritage Foundation. Quỹ này kêu gọi ngừng chương trình cấp vốn vì cho rằng dự án này “không liên quan đến vấn đề môi trường” và gây lãng phí ngân sách.
“Họ không coi đây là một vấn đề nghiêm trọng. Họ nói rằng đây là ngành công nghiệp làm đẹp thôi mà…”, Julia Liou chỉ ra một nguyên nhân tại sao nỗ lực của AHS bị chỉ trích.
“Họ có thể có bằng cấp. Họ có thể giàu có nhưng họ không hiểu vấn đề”, cô Nguyen nêu ý kiến. “Khi người nghèo như chúng tôi phải đi bệnh viện thì cũng tốn tiền ngân sách mà. Họ may mắn vì họ không phải lao động cật lực như chúng tôi. Họ có tiền của nên họ có thể cười vào mặt chúng tôi”.
Theo An Hồng / vnexpress.net
© 2024 | Thời báo ĐỨC