Gần 2.000 người Việt nằm trong diện tình nghi buôn người ở Anh

Theo báo Independent, ủy viên Kevin Hyland chỉ đạo thực hiện báo cáo về chống nô lệ hiện đại với đối tượng nghiên cứu chính là công dân Việt Nam sau khi chính quyền nhận ra Việt Nam là một trong ba quốc gia có số nạn nhân buôn người đông nhất tại Anh.

Theo báo Independent, ủy viên Kevin Hyland chỉ đạo thực hiện báo cáo về chống nô lệ hiện đại với đối tượng nghiên cứu chính là công dân Việt Nam sau khi chính quyền nhận ra Việt Nam là một trong ba quốc gia có số nạn nhân buôn người đông nhất tại Anh.

"Các biện pháp phải được thực hiện để ngăn chặn nạn bóc lột nô lệ trong ngành làm móng, dựa trên luật và các quy định hiện hành hoặc một kế hoạch cấp phép cụ thể" - ông Hyland kêu gọi.

Gần 2.000 người Việt nằm trong diện tình nghi buôn người ở Anh - 0

Cảnh sát Anh khám xét một tiệm làm móng của người Việt ở thành phố Reading - Ảnh: TWITTER

Vấn nạn nhức nhối

Nhà chức trách phát hiện phần lớn nạn nhân buôn người Việt Nam bị ép lao động cưỡng bức trong các tiệm làm móng hoặc trang trại trồng cần sa trên khắp nước Anh.

"Chúng ta chứng kiến sự nở rộ của các tiệm làm móng ở Anh nhưng chúng hầu như không bị kiểm tra" - ủy viên Hyland nhận xét.

Trong giai đoạn 2009-2016, có 1.747 công dân Việt Nam được ghi nhận nằm trong diện tình nghi bị buôn người, với số lượng mỗi năm mỗi tăng. Phân tích chi tiết hơn, người ta phát hiện 65% số nạn nhân là đàn ông, phần lớn dưới tuổi vị thành niên.

Một số nạn nhân bản thân có nguyện vọng tìm đường đến Anh, trong khi một số khác bị bắt cóc bởi các tay buôn người. 

Với những người tự nguyện, bọn tội phạm đưa ra cái giá từ 10.000 - 33.000 bảng Anh (300 triệu - 1 tỉ đồng VN) cùng lời dụ dỗ rằng họ có thể làm việc và trả lại dễ dàng.

Một khi đặt chân đến Anh, các nạn nhân bị ép làm việc quần quật và chỉ được trả tiền công rất ít ỏi. Trong hầu hết trường hợp, công việc ở Anh không giống với những gì họ được hứa hẹn khi còn ở Việt Nam. Một số còn bị tước hết hộ chiếu, giấy tờ và bị nhốt trong nhà.

Trong những ví dụ cụ thể, theo báo cáo, một nạn nhân bị ép làm việc trong tiệm móng 7 ngày/tuần với đồng lương chỉ 30 bảng (khoảng 900.000 đồng). Một bé trai khác thì bị nhốt suốt trong phòng và chỉ được ra ngoài khi làm việc. Cậu bé phải nộp hết tiền lương 6,5 bảng/giờ (gần 200.000 đồng) cho các tay tội phạm.

Từ tiệm móng, tiệm rửa xe cho đến nhà kho, con người đang phải chịu đựng những thứ quá khủng khiếp trong sự vô nhân đạo của đồng loại. Đây là vấn đề nhân quyền lớn nhất của thời đại chúng ta. Trong tư cách thủ tướng, tôi hạ quyết tâm biến đây thành một sứ mệnh quốc gia và quốc tế để loại trừ loài quỷ dữ ra khỏi thế giới của chúng ta"

Thủ tướng Anh Theresa May

Khi kẻ lừa đảo là người hàng xóm

Hoàn cảnh những nạn nhân khác thậm chí bi đát hơn, họ được hứa hẹn công việc làm móng nhưng lại bị ép bán dâm. Một phụ nữ khai với nhà chức trách rằng kẻ dụ dỗ cô là một người hàng xóm ở Việt Nam.

"Ông ta nói nếu tôi muốn đến Anh, ông ta sẽ giúp. Tôi không tin ông ta lắm, tôi chỉ cười, vì gia đình tôi rất nghèo. Ông ta khẳng định một khi tôi qua đây, cuộc sống sẽ tốt hơn. Ông ta có một tiệm làm móng và ông ta sẽ giúp tôi gửi tiền về cho bố mẹ" - nạn nhân kể lại với cơ quan chức năng.

Sau khi đặt chân đến Anh, cô gái Việt Nam bị đưa đến một căn nhà nhỏ, dơ bẩn và bị người hàng xóm ép trở thành nô lệ tình dục kiêm gái bán dâm. 

Gần 2.000 người Việt nằm trong diện tình nghi buôn người ở Anh - 1

Bọn tội phạm dùng các tiệm làm móng làm bình phong để bóc lột các nạn nhân buôn người từ Việt Nam - Ảnh: AFP

"Ông ta bạo hành tôi, còn bạn bè ông ta thường xuyên tụ tập xung quanh. Bọn họ uống rượu, xài ma túy và thường đánh đập tôi, bắt tôi phải nghe lời họ" - cô gái nhớ lại ký ức kinh hoàng.

Trong khi phần lớn tội phạm buôn người là người gốc Việt, báo cáo của Anh còn cho thấy người Trung Quốc, Nga, Ba Lan và Anh cũng tham gia dụ dỗ và bóc lột người Việt.

Hành trình từ Việt Nam đến Anh đối với các nạn nhân không phải là một chuyến bay êm ái. Thông thường nó mất đến nhiều tháng ròng và họ phải di chuyển bằng xe tải xuyên rừng trong đêm.

Năm 2016, Thủ tướng Anh Theresa May thông báo bà quyết định thành lập một lực lượng đặc trách đầu tiên của chính phủ để đối phó với nạn nô lệ hiện đại.

PHÚC LONG - TUOITRE.VN


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày