Trào nước mắt ở quán ăn Việt
7h30 sáng, người đi làm đã ngồi kín quán phở của chị Nguyễn Thị Diệu (39 tuổi, quê ở huyện Kế Sách, Sóc Trăng). Nồi nước phở sôi sục, thơm khắp gian bếp. Diệu nhanh tay trụng bánh phở, thêm thịt bò rồi chan nước dùng, để phần hành lá vừa cho vào bát chín tới, dậy mùi.
Quán ăn nhỏ của chị Diệu nằm ở huyện Nghi Lan, Đài Loan - Trung Quốc là nơi nhiều người Việt Nam đến để tìm lại hương vị quê nhà. Diệu là một cô dâu lấy chồng Đài Loan, dành một quầy nhỏ trong quán để bán nước mắm, muối, tương ớt, mì gói, cà phê, cá hộp… Việt Nam.
Chị Diệu cùng các con tại Đài Loan (Ảnh NVCC).
Cách đây 20 năm, chị được người quen giới thiệu để kết hôn với người đàn ông Đài Loan. Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, cô gái gật đầu, đồng ý lấy chồng ngoại quốc như một cách giúp gia đình thoát nghèo, vì chữ hiếu. Đó là lần đầu tiên, Diệu được đi máy bay, để tới một nơi hoàn toàn xa lạ.
Chị nhớ lại: "Có lẽ, may mắn nhất đời tôi là gặp được người chồng tốt, dù hôn nhân chỉ qua mai mối. Anh ấy đưa tôi sang Đài Loan, khi tôi nhớ, muốn thăm nhà, anh cũng đưa về. Anh giúp tôi học cách phát âm để giao tiếp, cho tôi làm quen với văn hóa Đài Loan".
Tuy nhiên, tình cảm của chồng cũng chưa thể khỏa lấp hết nỗi cô đơn của Diệu nơi xứ người. Đêm nào Diệu cũng khóc vì nhớ nhà. Thời điểm internet chưa phổ biến, việc gọi điện thoại về nhà cũng khá khó khăn. Diệu chỉ nói vội vài câu hỏi thăm: "Ba má khỏe không?", "Nhà mình vẫn ổn hả?"… rồi lại gác máy.
Ở Đài Loan, việc tìm được quán ăn Việt Nam khá khó khăn. Niêu cá kho, tô canh chua, đĩa mắm kho… là những thứ xa xỉ, khiến Diệu thèm, nhớ quay quắt. Chị vẫn nhớ lần đầu được đưa tới nhà hàng Việt Nam ở rất xa nhà, chị mừng đến chảy nước mắt, bồi hồi thưởng thức những món ăn quê hương.
Khi hai con cứng cáp, chị bắt đầu đi phụ việc quán ăn. Những ngày con bệnh, chị phải đưa con đến chỗ làm vì không ai trông. Quán ăn hiện tại ra đời trong sự nỗ lực, cố gắng phi thường của Diệu. Ngoài việc kiếm tiền, Diệu muốn mở quán ăn để những cô dâu Việt giống mình, có thể tìm được tô phở, đĩa thịt kho hay chút mắm muối, rau cà Việt Nam.
Bằng việc mở quán ăn, chị đã làm chủ kinh tế ở xứ người (Ảnh: NVCC)
Diệu nói: "Có lần, tôi gặp một cô gái trẻ đến mua hàng cùng mẹ chồng. Người mẹ cứ liên tục nói cô lấy nhiều đồ Việt Nam mà mình thích đi, nhưng cô vẫn cứ ngần ngại, chọn chai nước tương và một gói mì. Tôi thấy thương vô cùng vì đó chính là hình ảnh của mình 20 năm trước".
Nhờ quán ăn, Diệu làm chủ kinh tế, gửi tiền về cho gia đình. Ba mẹ Diệu đã yên tâm về cô con gái bôn ba nơi xứ người. "Tôi đã sống nửa cuộc đời ở Đài Loan. Ba má ở quê muốn đi du lịch ở đâu, ăn món gì… tôi cũng lo được. Tuy nhiên, nhiều đêm nằm ngẫm nghĩ, tôi sợ thời gian trôi qua quá nhanh, tôi chẳng còn nhiều cơ hội phụng dưỡng nữa", Diệu nói, nước mắt chảy dài.
Đi qua những sóng gió để làm chủ cuộc đời
"Má ơi, ba lại cắt điện phòng con, tối om à!"
…
Mỗi lần nghe con trai nói, chị Như Sương (46 tuổi, quê Đồng Tháp) cảm thấy ruột gan như rối bời. Sương kể, chị đã mất 10 năm để có thể ly dị người chồng Đài Loan.
Những ngày chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, chị rời đi, hai con trai vẫn sống cùng với ba. Bao nhiêu buồn bực, chồng Sương trút lên con. Khi thì ông cắt điện, lúc ông lại la mắng… Một ngày nọ, con trai gọi điện thoại báo cho chính quyền sở tại về tình trạng của mình, cậu ôm gói quần áo đến ở với mẹ.
Sương ôm chặt con vào lòng, tự nhủ mình phải có một cuộc đời mới. Ngày hôm sau, Sương ra tiệm xăm, nhờ người ta khắc lên tay một bông hồng ngược. "Hình xăm nhắc nhở tôi phải mạnh mẽ hơn nhiều lần, giữa cuộc đời đầy gai góc này", Sương nói.
Sự đổ vỡ hôn nhân lại khiến chị Sương có nhiều động lực hơn trong cuộc sống để nuôi dạy các con (Ảnh: Ngọc Ngân)
Chị vốn là con nhà nông, sinh ra trong một gia đình nghèo ở Đồng Tháp. Lúc ở Việt Nam, một tay Sương lo việc đồng áng. Đôi tay chị chai sần, gân guốc và sạm nắng.
Khi sang Đài Loan, cuộc hôn nhân không tình yêu đẩy Sương vào nhiều bi kịch. Chị không hòa hợp với nhà chồng, không tìm thấy tiếng nói chung với chồng, chật vật với những rào cản ngôn ngữ, văn hóa… Những trận cãi vã triền miên đã khiến tinh thần chị kiệt quệ.
Chị nhớ lại: "Sau 3 năm ly hôn, chồng tôi đột ngột qua đời. Tôi nuôi hai con ăn học từ quán ăn nhỏ ở thành phố Đào Viên".
Quán ăn giúp chị làm chủ cuộc sống (Ảnh: Ngọc Ngân).
"Quán bà Sương" sực nức mùi thơm của nồi cá lóc kho, có tiếng xèo xèo trên chảo bánh, có đĩa rau muống xanh mơm mởn, có nồi lẩu mắm nghi ngút khói… Thi thoảng, có vài cô dâu Việt Nam ghé sang. Họ thưởng thức những món đậm hương vị quê hương nhưng chủ yếu nhất là muốn trò chuyện với Sương.
Bà chủ người miền Tây, tính tình thật thà, thẳng thắn. Chị là niềm an ủi cho những cô dâu Việt giữa xứ người.
Chị kể: "Có con bé chiều chiều hay đến ăn bánh xèo, qua Đài Loan chỉ mới vài năm đã rơi vào trầm cảm. Tôi thương nó như em gái của mình. Mỗi lần nó sang, tôi đều phải hỏi chuyện, khuyên nhủ nó đủ thứ. Nó nói rằng: "Chị biết không, em qua đây chỉ để gặp chị, thấy chị cười thôi đó".
Quán ăn đậm chất Việt Nam thu hút những người con xa xứ (Ảnh: Ngọc Ngân).
23 năm bôn ba xứ người, cuộc đời Sương đã trải qua nhiều thăng trầm, có nước mắt lẫn cả nụ cười. Giờ đây, chị đã tự làm chủ đời mình.
"Món quà lớn nhất của ông trời mà tôi nhận được là hai người con trai ngoan hiền, học giỏi. Tôi chẳng mưu cầu gì hơn nữa", Sương nói, tay vẫn đang xới cơm cho khách.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC