Thầy Alis Rus, giảng viên trường Đại học Tổng hợp Kinh tế Uzbekistan mới đây đã kể lại một câu chuyện về cuộc hội ngộ giữa người con Việt Nam và bà mẹ nuôi người Nga khiến nhiều người xúc động. Thầy khẳng định: “Đó là câu chuyện có thật”.
Người con Việt Nam được nhắc đến trong câu chuyện chính là anh Sơn, hiện nay đang sinh sống tại Biên Hòa. Năm 1986, anh Sơn khi ấy 18 tuổi được cử sang theo học tại một trường dạy nghề của Thủ đô Tashkent, nước Uzbekistan (từng là một phần của Liên Xô cũ).
Trong một lần đến chơi khu nghỉ dưỡng Sukok, anh Sơn và các bạn có dịp làm quen với người phụ nữ Nga tên là Svetlana trạc tuổi tứ tuần sinh sống tại Tashkent cách Sukok không xa, bà từng là một kỹ sư địa chất.
Vốn tính hiền lành, dễ gần nên anh Sơn nhanh chóng được bà Svetlana quý mến, chẳng những vậy bà còn xem anh như người thân trong gia đình. Bà hẹn anh đến nhà vào mỗi dịp cuối tuần và nấu những món ăn mà anh yêu thích.
Hẳn đã có một tia sáng nào đó, dù mảnh, nhưng ấm áp đã rọi vào màn sương ký ức của bà, khiến bà nhớ lại chút nào đó về những ngày nắng ấm xa xưa.
Năm 1989, sau khi hoàn thành khóa học, anh Sơn về nước và vẫn giữ số liên lạc của người mẹ nuôi.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ, Uzbekistan tách ra thành một quốc gia độc lập, mọi chuyện thay đổi và anh Sơn cũng mất liên lạc với người mẹ nuôi ngoại quốc của mình.
Năm 2016, khi có dịp trở lại Tashkent, sau chặng đường dài 8.000 km, việc đầu tiên anh Sơn làm là tìm lại ngôi nhà của người mẹ nuôi năm xưa. Và thật tuyệt vời, bà vẫn ở ngôi nhà cũ thân thương gắn bó với anh trong suốt mấy năm đi học tại nước ngoài.
Mặc dù cảnh sắc không thay đổi nhưng con người đã thay đổi.
Sau 27 năm, người mẹ nuôi đã không nhận ra anh Sơn, người con trai nuôi Việt Nam mà bà từng coi như con đẻ.
Anh Sơn tìm lại những tấm ảnh lật qua lật lại cho bà xem, cùng với những câu chuyện xen kẽ kể bên tai mẹ nuôi. Với một niềm tin và hy vọng tìm lại được chút ký ức mong manh hiện lên trong tâm trí mẹ, mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn trong cuốn album của gia đình.
Trước khi quay về nơi đây tìm mẹ nuôi, anh Sơn cũng cẩn thận chụp lại từng tấm hình mà mình còn giữ được. Anh đưa mẹ xem những kỉ niệm chưa hề một ngày phai mờ theo năm tháng.
Anh Sơn chia sẻ: “Bà là một người mẹ tuyệt vời khi thương yêu và chăm sóc tôi như con đẻ”. Với tất cả tình yêu anh dành cho mẹ, và hy vọng mẹ có thể nhận ra mình, anh Sơn cho biết lần thứ hai khi anh quay lại ngôi nhà thăm mẹ thì đã có những tín hiệu đáng mừng. Anh nói: “Dường như mẹ đã nhận ra tôi. Lúc bà nhớ, lúc bà quên”.
Có lẽ bởi người con trai Việt ngày xưa của bà mẹ Nga bây giờ quá cao lớn và trưởng thành khiến trí nhớ mong manh của mẹ khó mà nhận ra được. Anh Sơn bây giờ đã chớm tuổi 50, mọi thứ đều đã đổi thay, nhưng tình yêu của bà mẹ Nga dành cho anh có phần ưu ái đặc biệt, nên đã vượt qua được sự khắc nghiệt của bệnh đãng trí và thời gian, khiến bà có thể nhớ lại được một chút nắng ấm của mùa đông nước Nga ấm áp năm xưa.
Anh Sơn cùng 3 người phụ nữ trong gia đình mẹ nuôi Svetlana, năm 1988. (Mẹ Svetlana ngồi bên trái Sơn, cô con gái của bà đứng mặc áo đen).
Đã mấy lần quay lại Nga thăm mẹ nuôi, trải qua nhiều năm trời cách mặt, nhưng tình cảm yêu thương, kính trọng mà anh Sơn dành cho mẹ mình vẫn vẹn nguyện như ngày nào. Sau chuyến đi lần thứ 2, trở về Việt Nam, anh Sơn vẫn suy nghĩ nhiều về hoàn cảnh của mẹ nuôi khi người con gái bà lại đang sinh sống ở Moskva, thỉnh thoảng mới về nước thăm mẹ. Dù mới thuê được người giúp việc, nhưng cuộc sống đơn độc của một bà cụ 72 tuổi bệnh tật còn bao nhiêu việc để lo.
Từ đó đến nay, anh gửi một số tiền không nhỏ cho bạn bè của mình ở Tashkent, hàng tháng họ giúp anh mua thức ăn, các nhu yếu phẩm và các hóa đơn sinh hoạt cho mẹ nuôi. Anh Sơn cũng không muốn nhắc đến chuyện đó nhiều, anh muốn âm thầm báo đáp lại những gì ngày xưa mẹ đã làm cho mình. Anh nói: “Lúc bên đó, tôi đã coi bà như người mẹ thứ hai rồi. Nên khi có điều kiện thì tôi giúp bà thôi. Tôi còn chuẩn bị sẵn phòng khi bà ốm đau”.
Câu chuyện của anh khép lại khiến người đọc cảm thấy ấm áp, một tình cảm vẹn tròn xuyên suốt cùng chiều dài của tháng năm, của mọi sự trưởng thành.
Tất cả đều đã đổi khác, mẹ đã già và con đã thành một người trạc ngũ tuần, nhưng tất cả tình yêu thương vẫn còn nguyên ở đó như thủa cách đây 30 năm nó diễn ra ở nước Nga thơ mộng.
Theo Dkn
© 2024 | Thời báo ĐỨC