Cuộc chạy loạn nghẹt thở của người Việt ở Ukraine

Không có tiền, không thể giao tiếp, vợ chồng chị Toán đứng ở bến tàu chờ đợi trong tuyệt vọng và sợ hãi. Tuyết rơi ngày một dày, đứa con hơn 4 tháng tuổi cứ oằn mình, khóc ré lên từng hồi.

Phải liều mà đi

Đêm 28/2, nằm trong căn phòng nhỏ ở khu nhà công nhân, chị Thái Thị Toán trằn trọc mãi mới chợp mắt được một lúc. Đến gần sáng, chị đang mơ màng thì nghe tiếng bom nổ rất lớn. Người mẹ sinh năm 1995 này bật dậy, cuống cuồng vơ chiếc chăn để sẵn bên cạnh quấn cho cậu con trai hơn 4 tháng tuổi rồi cùng chồng lao xuống hầm trú ẩn.

Đã nhiều ngày nay, kể từ khi chiến sự xảy ra ở Ukraine và một số vùng cảng, khu quân sự thuộc thành phố Odessa, vợ chồng chị Toán luôn trong trạng thái nháo nhào như thế. Họ mặc sẵn quần áo ấm trên người, để ngay bên cạnh con các vật dụng cần thiết, giầy dép để sát mép giường… nghe thấy tiếng bom nổ là chạy ngay xuống hầm.

Ngồi trong hầm trú lạnh lẽo, họ nín thở chờ đợi cho đến khi người bảo vệ già thông báo đã hết nguy hiểm mới dám lục tục quay lại phòng.

Đi giữa hành lang sâu hun hút, chỉ còn lác đác lại vài gia đình chưa kịp bỏ chạy, chị Toán lo lắng không biết số phận hai vợ chồng và đứa con mới sinh sẽ ra sao giữa cuộc chiến tranh.

Vợ chồng chị Toán quê ở Nghệ An, sang Ukraine làm công nhân may được 3 năm nay. Phải vay mượn mới có tiền đi lao động nên lương hàng tháng của chị được chủ chuyển thẳng về tài khoản của người nhà ở Việt Nam để trả nợ. 

Mọi sinh hoạt của hai vợ chồng được chủ bao. Mỗi tháng, chị chỉ để lại một khoản tiền nhỏ chi tiêu. Nhưng khoản tiền ấy chị vừa dành hết để làm giấy khai sinh cho con thì chiến tranh nổ ra. Hai vợ chồng công nhân xa quê không còn một đồng trong túi.

"Đây là tình cảnh chung của nhiều người Việt sang đây làm công nhân. Chiến tranh nổ ra, họ muốn đi nhưng cũng không có tiền mà đi", người phụ nữ quê Nghệ An buồn bã nói.

Ông chủ và những công nhân trong khu nhà ở đã lần lượt di tản. Ngân hàng đóng băng nên người chủ cũng chẳng làm gì được để hỗ trợ họ. Hai vợ chồng chị Toán gọi điện hỏi những người bạn Việt Nam ít ỏi ở Ukraine thì ai cũng đang trong cảnh loạn lạc, bỏ của chạy lấy người.

"Bố mẹ chúng tôi ở Việt Nam mất ăn mất ngủ, gọi điện bảo chuyển tiền sang nhưng bên này các ngân hàng đã bị tê liệt. Không có tiền, không biết tiếng, vợ chồng chúng tôi chỉ biết chờ đợi trong sợ hãi, nghĩ nếu cứ ngồi đây thì không biết chết lúc nào.

Cứ nghĩ đến con trai mới sinh, rồi đứa con gái đang chờ mẹ ở quê nhà, gia đình, bố mẹ, tôi lại rơi nước mắt. Lần nào mẹ tôi gọi điện sang là cả nhà lại khóc", chị Toán chia sẻ với Dân trí.

Suốt nhiều đêm liền kể từ ngày bắt đầu cuộc chiến (ngày 24/2), vợ chồng chị Toán không ngủ, cứ thấp thỏm cập nhật tin tức, xem tình hình những người đã rời đi trước đó ra sao. Cuối cùng, một đồng hương người Việt làm cùng thấy quá thương cảm với hoàn cảnh của hai vợ chồng, đã cho cả hai vay 3.000 tiền Ukraine (khoảng 2 triệu đồng Việt Nam).

Suýt bỏ mạng giữa đường

Ngày 1/3, có tiền trong tay, hai vợ chồng chị Toán khoác lên người chiếc áo ấm nhất mà họ có, còn lại đồ đạc đem theo, họ ưu tiên quần áo, thuốc thang và sữa cho đứa con trai bé bỏng. "Chúng tôi dự tính sang tá túc nhà một người quen ở Ba Lan, quãng đường đi hàng ngàn cây số. Nhiều người bảo đường đi gian nan, có thể chết đạn chết lạnh giữa đường, nhưng ở trong hoàn cảnh đó, chúng tôi phải liều mà đi", chị Toán chia sẻ về.

Rời khỏi khu công nghiệp, vì biết mấy câu tiếng Ukraine về địa điểm, đường đi, vợ chồng chị Toán bắt xe taxi và nhờ tài xế chở ra ga tàu thành phố Odessa. Cũng như bao người đi tị nạn khác, họ chờ đợi suốt nhiều tiếng đồng hồ rồi cố chen chân lên chuyến tàu tháo chạy khỏi điểm nóng.

1 Cuoc Chay Loan Nghet Tho Cua Nguoi Viet O Ukraine

Chuyến tàu ấy với những người mẹ có con nhỏ như chị Toán thực sự gian nan. Chị Toán kể, trừ những lúc ngủ, bé trai hơn 4 tháng tuổi gần như lúc nào cũng khóc bởi sự ồn ào, ngột ngạt.

"Thằng bé cứ oằn người lên, vật vã. Thấy con tôi khóc nhiều quá, nhiều người Ukraine xung quanh có hỏi han gì đó. Tuy nhiên, tôi chẳng hiểu họ nói gì… Có chặng, tàu dừng vì báo động, mọi người ngồi im không nhúc nhích suốt 3 tiếng đồng hồ, ai nấy như ngộp thở, thằng bé lại càng khóc to", chị Toán nhớ lại.

Đến ga tàu thành phố Lov, vợ chồng chị Toán phải di chuyển qua một đường hầm nhỏ hẹp để lên chuyến tàu ra biên giới. Hai tay rã rời vì bế con hơn 1 ngày trời, chị vẫn cố đứng vững giữa dòng người chật cứng, nhích từng tí một tiến về phía trước. Bởi chị biết, nếu không cố gắng, chị sẽ bị bỏ lại phía sau, và không có chỗ trên chuyến tàu hàng nghìn người đang cố kiếm một suất tháo chạy kia.

"Nhiều người không đi đường hầm, họ vượt rào chắn, bất chấp nguy hiểm, băng qua đường ray để chạy lên tàu chiếm chỗ trước. Khung cảnh hỗn loạn vô cùng. Hai vợ chồng tôi cố gắng đi sát sát nhau đề phòng bị lạc", chị Toán nhớ lại.

6 tiếng chờ đợi giữa thời tiết - 5 độ C

Vợ chồng chị Toán đặt chân sang đất Ba Lan chiều ngày 3/3. Chị Toán được xe miễn phí chở ra bến tàu gần cửa khẩu Przemysl để tiếp tục hành trình đến nhà người thân cách đó 500 km. Đến bến tàu, trời đã về chiều, nhiệt độ xuống thấp, lạnh buốt và tuyết bắt đầu rơi.

Thấy mẹ con chị Toán đứng bơ vơ ở nhà ga, tuyết rơi ngày một nhiều, nhiệt độ giảm sâu chỉ còn - 4 đến - 5 độ C, những người đi qua đi lại thương lòng chia sẻ bớt những tấm chăn họ mang theo cho con chị. Nhưng cứ đắp thêm lớp chăn nào, đứa bé lại khóc ré lên, vùng vẫy. Nhìn môi con tím tái, miệng thì trắng rộp vì hết nóng rồi lại lạnh, chị Toán hoảng loạn ngồi giữa bến tàu khóc.

Một số người thấy thương cảm đã đến hỏi thăm nhưng vì chị Toán không biết tiếng nên không nói chuyện được với họ. Điện thoại di động hết sạch pin nên chị cũng không thể dùng phần mềm google dịch để giao tiếp.

"Rõ ràng mình đang rất cần sự giúp đỡ, người ta cũng muốn giúp mình mà đôi bên không biết làm thế nào. Lúc đó trong túi tôi cũng không có đồng tiền Ba Lan nào, tiền Ukraine thì không thể sử dụng được nữa. Tôi thật sự bế tắc", chị Toán vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại giây phút hoảng loạn lúc ấy.

Chuyến tàu vợ chồng chị Toán muốn đi thì phải tới 4h sáng hôm sau mới chạy. Tại nhà ga lúc đó chỉ còn chuyến tàu đến Katowice. Nhìn đứa con bé bỏng trên tay, chị Toán nghĩ nếu cứ tiếp tục đứng giữa sân ga, có thể con chị sẽ chết cóng.

"Thằng bé cứ khóc ngặt nghẽo, không chịu ăn uống gì. Lúc đó tôi nghĩ, đợi đến 4h sáng giữa trời giá buốt thế này thì con mình có còn không? Thằng bé có chuyện gì thì tôi không thể chịu đựng nổi", chị Toán xót xa.

Đến gần 21h, khi thấy con gần như lả đi về mệt, chị Toán sợ hãi, chạy ngược xuôi và tìm được đường xuống tầng hầm của sân ga. Ở đó đỡ lạnh hơn và chị may mắn tìm thấy chỗ sạc điện thoại.

Điện thoại vừa nhảy lên vài phần trăm pin, chị Toán vội đăng lên một hội nhóm tập hợp những người Việt ở Ban Lan lời kêu cứu: "SOS. Hiện giờ chúng em đang ở ga tàu có cả con nhỏ mà không biết làm sao cả. Mong mọi người giúp chúng em với. Ở đây lạnh quá, con em mới được hơn 4 tháng".

Ngay lập tức chị Toán nhận được vô số lời động viên. Một đồng hương người Việt có nick Facebook Hải Phạm đã vào xin số điện thoại để hướng dẫn từ xa. Vừa nghe giọng nói của anh Hải qua điện thoại, chị Toán đã òa khóc nói: "Anh ơi, anh giúp chúng em với!".

Chị Toán sau đó đưa điện thoại cho một người Ba Lan ở sân ga để anh Hải nhờ người này dẫn cả hai lên chuyến tàu đi Katowice. Theo anh Hải, lúc này cần đưa đứa trẻ lên tàu để tránh rét, anh chị nên đi về Katowice, sau đó, các đồng hương người Việt sẽ lo cho gia đình chỗ ăn ở, nghỉ ngơi tạm ở thành phố này. Khi đã lại sức, cả hai đến nhà người thân cũng chưa muộn. Các chuyến tàu hiện giờ đều miễn phí nên chị Toán không có gì phải lo lắng.

Qua điện thoại, chị Toán được anh Hải kể lại rằng, những người ở sân bay, nhân viên an ninh đã chỉ cho chị khu vực phòng chờ ở sân ga để chị nghỉ ngơi, cho con ăn uống nhưng chị lại cứ lắc đầu nguầy nguậy.

"Phần vì tôi không hiểu tiếng, phần vì cũng sợ bị người lạ lừa, lỡ họ dẫn mình đi đâu, hoặc chở mình đến một nơi xa lạ thì biết làm thế nào. Vậy nên hai vợ chồng tôi cứ đứng đó bất lực, ôm con giữa nhà ga lạnh buốt", chị Toán bộc bạch.

Sau hơn 6 tiếng chờ đợi, chị Toán cũng biết mình nên làm gì. Theo hướng dẫn của anh Hải, vợ chồng chị Toán lên chuyến tàu đi Katowice. Tại nhà ga Katowice, cả hai được một người bạn của anh Hải là anh Nguyễn Quốc Bình (một người Việt ở Ban Lan) đến đón và đưa về nhà nghỉ ngơi, lo ăn uống.

2 Cuoc Chay Loan Nghet Tho Cua Nguoi Viet O Ukraine

Vợ chồng chị Toán thời điểm được anh Bình đến đón (Ảnh: Nguyễn Quốc Bình).

Nhớ lại hành trình tháo chạy nghẹt thở những ngày qua, chị Toán bộc bạch: "Nếu không có những người như anh Hải, anh Bình và cộng đồng người Việt trên đất Ba Lan… thì đêm ấy tôi không biết vợ chồng con cái mình sẽ ra sao.

Người thì tận tình hướng dẫn qua điện thoại, người thì đón chúng tôi về lo chỗ ăn chỗ ở, cho tiền đi lại, thậm chí còn tạo điều kiện để chúng tôi ở lại làm việc nếu muốn. Tôi thực sự rất xúc động và biết ơn".

Khi được hỏi về dự định tiếp theo, người phụ nữ nén tiếng thở dài. Giọng ngắt quãng, chị nói: "Hai vợ chồng tôi vay nợ sang đây để đi làm. 3 năm nay tiền lương chỉ đủ trả nợ, chữa bệnh. Tôi cũng chưa tính sinh con nhưng đứa trẻ đến bất ngờ nên chúng tôi cũng chưa chắt chiu được nhiều. Thời gian tới nếu không tìm được việc ở Ba Lan, chúng tôi đành về Việt Nam".

Cuộc chiến tranh xảy ra khiến biết bao người Việt trên đất Ukraine rơi vào cảnh lầm than, không biết đi đâu về đâu. Với những người đã sinh sống lâu năm, họ tiếc nuối cơ nghiệp, nhà cửa, hàng quán, xe cộ, còn với những công nhân tha hương như vợ chồng chị Toán, chiến tranh lại chôn vùi giấc mơ đổi đời ở trời Tây. Họ ngỡ xa quê để kiếm chút vốn liếng về Việt Nam làm ăn, nuôi con cái. Nhưng tiếc rằng, cả hai có nguy cơ trở về tay trắng…

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày